Theo thống kê gần đây nhất của tổ chức Biggest Global Sports, bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất thế giới, với mỗi trận chung kết World Cup thu hút trung bình hơn 600 triệu người xem trên toàn cầu - nhiều hơn bất kỳ môn thể thao nào khác.
Trong một cuộc khảo sát gần đây ở Vương quốc Anh, cứ bốn người được phỏng vấn thì có một người khẳng định rằng bóng đá chính là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Một nghiên cứu khác còn phát hiện ra rằng cứ mỗi khi Vòng chung kết bóng đá thế giới World Cup diễn ra, số lượng người tìm đến các phòng khám tâm lý và tâm thần giảm hẳn so với ngày thường.
Việc xem bóng đá giúp con người thư giãn và được là chính mình:
Các trận cầu hấp dẫn giúp con người thỏa mãn nhu cầu được thư giãn và thoát khỏi những nỗi lo toan bộn bề của cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi xem bóng đá, họ có cảm giác như đang ở một nơi chốn khác, một góc riêng của mình - nơi họ được vui chơi và nghỉ ngơi mà không phải lo sợ bị người khác đánh giá.
Cảm giác hồi hộp và thoải mái:
Đây chính là lý do vì sao bóng đá có hàng trăm triệu người hâm mộ trên toàn cầu: Môn thể thao này vừa giúp người xem cảm thấy thoải mái, vừa để họ được sống trong cảm giác hồi hộp và trông đợi. Trong một trận bóng đá, mọi chuyện đều có thể xảy ra và chẳng ai có thể đoán trước được tỉ số, và chính điều này khiến người xem không thể rời mắt khỏi trận đấu, liên tục háo hức chờ đợi những diễn biến sắp đến - một phản ứng tâm lý đã được các nhà khoa học chứng minh là có tính chất hấp dẫn con người và có thể gây nghiện.
Các trận bóng đá khiến người xem có cảm giác như thể họ chính là những người chơi trong đó:
Mỗi khi chúng ta xem bóng đá, các tế bào thần kinh gương (mirror neuron) trong não được kích hoạt. Tế bào thần kinh gương giúp con người thấu hiểu hành động của người khác và đặt mình trong vị trí của người khác, dẫn đến hiện tượng thấu cảm. Chính vì cơ chế này, trong suốt thời gian diễn ra một trận bóng đá, người xem có cảm giác như thể mình chính là các cầu thủ trên sân, là những người trực tiếp thực hiện các đường chuyền và những cú sút bóng. Cũng chính vì hiện tượng thấu cảm, người hâm mộ đồng loạt cảm thấy hạnh phúc, vui khỏe và phấn khích hơn mỗi khi đội bóng của họ ghi bàn hay đánh bại đối phương. Họ cảm thấy như thể chính mình là những người chiến thắng.
Lợi ích đặc biệt của bóng đá đối với giới trẻ:
So với những lứa tuổi khác, người trẻ - đặc biệt là nam thanh niên - có nhu cầu rất lớn trong việc thể hiện bản thân và giải phóng cảm xúc để duy trì lối sống lành mạnh. Theo khảo sát gần đây, nam thanh niên là nhóm đối tượng có nguy cơ tự tử cao nhất, với “tình trạng căng thẳng thần kinh và bị kìm nén cảm xúc chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự tử ở nam giới dưới 35 tuổi” - trích từ báo cáo của Tổng cục Thống kê Vương quốc Anh năm 2015. Nam giới dưới 35 tuổi cũng chính là lực lượng chiếm số đông nhất trong giới cổ động viên bóng đá ở Anh. Các nhà khoa học cũng đã khám phá ra rằng việc thưởng thức các môn thể thao kịch tính như bóng đá có tác dụng làm tăng lượng testosterone trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mỗi khi xem bóng đá, người hâm mộ cũng trải nghiệm những sự thay đổi mạnh mẽ về mặt sinh lý và hoóc-môn trong cơ thể với mức độ tương đương những cầu thủ đang thực sự chơi bóng trên sân.
Bóng đá giúp con người cảm thấy tự tin hơn:
Đối với nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt, sự thành công của đội bóng mình yêu thích giúp họ khẳng định lòng tự trọng và giá trị bản thân, và các nhà tâm lý học đã gọi tên hiện tượng này là “đắm mình trong vinh quang được phản chiếu” (“Basking in reflected glory” - BIRG). Mặt trái của hiện tượng này chính là mọi sự thất bại của đội hay những hành vi xâm phạm vào đội bóng đều có thể khiến những cổ động viên này bộc phát những cảm xúc và hành động cực đoan, và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nạn hooligan trong bóng đá. Theo nghiên cứu, nhiều người hâm mộ cực đoan có những vấn đề bất ổn về mặt tâm lý: họ có biểu hiện hay âu lo hoặc cáu bẳn, thường xuyên nhức đầu và rối loạn giấc ngủ. Một số người thậm chí trở nên rụt rè, lãnh đạm hoặc có tâm lý chống đối xã hội chỉ vì một trận thua của đội bóng mình yêu thích.
Bóng đá giúp con người củng cố các mối quan hệ:
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bóng đá đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho người hâm mộ hình thành và củng cố các mối quan hệ gia đình và xã hội. Hơn 90% số người đến xem các trận bóng đá đi cùng với người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp.
Bóng đá giúp cho người hâm mộ có nhiều cơ hội được giao tiếp, tụ họp, chuyện trò với nhau, trao đổi thông tin và hình thành sự gắn kết thân thiết thông qua những sự đồng cảm và chia sẻ cảm xúc buồn vui sau các trận cầu. Bóng đá có khả năng kết nối người hâm mộ khắp nơi hòa hợp với nhau bất kể xuất thân, nghề nghiệp, quốc tịch hay chủng tộc của họ. Điều này đặc biệt thuận lợi cho những người nhút nhát hoặc gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, khi bóng đá cho họ nhiều cơ hội được khắc phục khuyết điểm này của bản thân và hòa đồng hơn với tập thể.
Thống kê ở Anh cho thấy bóng đá có tác dụng giúp mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên thân thiết và gắn kết với nhau hơn, đặc biệt giữa bố và con trai. Nhiều gia đình kể rằng các thành viên trong nhà được dịp quây quần vui vẻ và đầm ấm bên nhau mỗi khi xem bóng đá. Trong một cuộc khảo sát khác, gần như tất cả nam cổ động viên bóng đá trả lời rằng họ xem trận bóng đá đầu tiên trong đời cùng với cha mình.