Hà Nội

Kỳ cục chuyện uống dự phòng thuốc i-ốt vì sợ... thảm họa hạt nhân

02-05-2022 13:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Người dân trên khắp châu Âu đang tích trữ các viên thuốc i-ốt trong bối cảnh lo ngại về một vụ nổ hạt nhân từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên các chuyên gia y học hạt nhân cho biết chỉ nên uống thuốc khi có sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế.

1. Thuốc i-ốt hoạt động như thế nào?

Tuyến giáp ở cổ sản xuất hormone rất quan trọng cho sự phát triển của não và các chức năng quan trọng của cơ thể nhờ i-ốt ổn định. Vai trò chính của tuyến giáp là dùng i-ốt như là nguyên liệu để tạo ra hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp có tác dụng thúc đẩy sự đổi mới tế bào. Vì cơ thể không thể sản xuất i-ốt, nên nó được bổ sung qua chế độ ăn uống của chúng ta.

Thuốc viên i-ốt là một loại thuốc y tế ngăn chặn sự hấp thu của i-ốt phóng xạ (là một trong những chất phóng xạ được thải ra trong tai nạn nghiêm trọng tại cơ sở hạt nhân) vào tuyến giáp, có tác dụng ngăn ngừa và giảm lây nhiễm bên trong tuyến giáp.

2. I-ốt có thể giúp gì trong một vụ tai nạn hạt nhân?

Trong một vụ tai nạn hạt nhân, i-ốt phóng xạ sẽ được giải phóng vào khí quyển. Hít hoặc tiêu thụ i-ốt bị ô nhiễm qua đường thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp, như đã được quan sát thấy sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Có nên uống thuốc i ốt dự phòng vì lo ngại thảm họa hạt nhân - Ảnh 1.

Thuốc i-ốt sẽ ngăn chặn sự hấp thụ i-ốt phóng xạ của tuyến giáp, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp.

Thuốc i-ốt sẽ ngăn chặn sự hấp thụ i-ốt phóng xạ của tuyến giáp và làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Viên nén i-ốt chỉ cung cấp sự bảo vệ chống i-ốt phóng xạ và không chống lại các chất phóng xạ khác.

Theo Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Na Uy, có thể uống viên i-ốt để giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Năm 2011, chính quyền Nhật Bản cũng khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nên uống i-ốt. Tuy nhiên, Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ lưu ý rằng đó là một biện pháp bảo vệ rất chuyên biệt. Sơ tán mới là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất trong trường hợp khẩn cấp về phóng xạ.

3. Khuyến nghị từ các chuyên gia an toàn hạt nhân

Sử dụng i-ốt như một biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa phơi nhiễm phóng xạ sau một vụ rò rỉ hoặc tai nạn nhà máy điện hạt nhân không mang lại lợi ích vì tuyến giáp chỉ dự trữ i-ốt trong một khoảng thời gian giới hạn.

Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp cảnh báo: Không có ích lợi gì khi dùng thuốc viên i-ốt như một loại thuốc dự phòng vì có thể gây ra các tác dụng không mong muốn hoặc dị ứng.

Theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN), i-ốt chỉ bảo vệ tuyến giáp và rằng hành động quan trọng nhất sau một vụ tai nạn hạt nhân là sơ tán hoặc tìm nới trú ẩn an toàn. Ngoài ra, các viên thuốc phải được uống vào những thời điểm cụ thể - lý tưởng nhất là một giờ trước khi tiếp xúc với bức xạ và chậm nhất là 6 đến 12 giờ sau khi tiếp xúc. Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên có thể được chỉ định sử dụng các sản phẩm này.

Tiến sĩ Hielke Freerk Boersma, một chuyên gia về bức xạ hạt nhân tại Đại học Groningen, cho biết: "Ở mức độ nào đó thì thuốc viên i-ốt sẽ hữu ích trong việc chống lại tác động của bom hạt nhân. Nhưng ảnh hưởng trực tiếp của các vụ nổ hạt nhân sẽ rất thảm khốc. Ở những khoảng cách lớn, nơi bụi phóng xạ sẽ chiếm ưu thế, ô nhiễm phóng xạ chắc chắn sẽ không chỉ do i-ốt phóng xạ gây ra. Việc sử dụng thuốc viên i-ốt không cần thiết cũng có thể gây ra các tác dụng phụ đối với sức khỏe, mặc dù khả năng xảy ra những tác dụng này là rất nhỏ".

Cơ quan Liên bang về Kiểm soát Hạt nhân (FANC) của Bỉ cũng cảnh báo không nên dùng thuốc này. Uống thuốc viên i-ốt sẽ không bảo vệ khỏi các dạng bức xạ khác, cũng như không cung cấp khả năng miễn dịch. Những viên thuốc này không phải là phương pháp chữa trị vĩnh viễn.

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra

Cho đến nay, các tác dụng phụ của thuốc i-ốt được báo cáo như sau:

  • Quá mẫn cảm với thuốc: Nổi mề đay, mẩn ngứa
  • Các chứng bệnh về hệ tiêu hoá: Buồn nôn và nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy…
  • Những triệu chứng khác: Giảm chức năng tuyến giáp, nhức đầu, khó thở
  • Quá nhiều i-ốt có thể gây hại cho thận và tim và khiến tuyến giáp hoạt động sai.
  • Những người có tiền sử mẫn cảm với các thành phần trong thuốc i-ốt không được sử dụng.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về việc tiêu thụ i-ốt mà không có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Thuốc viên i-ốt phải có chỉ định của bác sĩ và không nên dùng bất kỳ chất bổ sung i-ốt nào trừ khi có lý do y tế cấp tính để làm như vậy.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo di chứng kéo dài hậu COVID có thể thành hội chứng phổ biến

DS. Nguyễn Xuân Chiến
Ý kiến của bạn