Quần thể tháp Chăm được dựng trên diện tích khoảng 4000 m2 (Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), bao gồm 3 công trình: tháp chính (tháp Kalan) cao hơn 20m, tháp cổng (tháp Gopura) cao hơn 8m và tháp hỏa (tháp Kosaghra) cao hơn 9m.
Tháp Chăm - Biểu tượng văn hóa độc đáo tại ‘ngôi nhà chung’.
Vật liệu xây tháp bằng loại gạch đỏ sẫm, phục chế, sản xuất theo quy trình riêng. Nguyên liệu gạch làm từ đất sét nghiền mịn, lọc, luyện kỹ. Gạch có độ xốp cao, lỗ rỗng nhỏ và đồng đều để có khả năng thoát ẩm, trách tích tụ nước. Gạch nung ở nhiệt độ nhỏ hơn 950 độ C để độ cứng vừa phải đảm bảo khả năng chạm khắc.
Quá trình nung phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe để gạch có độ bền cao, gạch ra lò được tuyển chọn từng viên để lúc mài đạt mặt phẳng gần như tuyệt đối khi đặt trên mặt kính.
Tháp chính được xây bằng gạch, có bốn mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía Đông, có cửa ra vào, còn ba mặt còn lại ở 3 hướng và cả 3 hướng đều có 3 cửa giả.
Tại cửa vào tháp chính, hốc mái vòm có trang trí các cột đá, ngưỡng đá và tượng đá. Đá cũng là chất liệu của Linga và Yoni - hai khối vật thể được đặt tại bên trong, chính giữa của tháp chính, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm.
Linga và Yoni được người Chăm tôn thờ như "hai vị thần", hai nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ phân biệt và hòa hợp với nhau để sinh ra vạn vật.
Tháp chính có 3 tầng được cấu trúc như nhau, mỗi tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Tượng thần Siva (trên cùng), tượng vũ nữ Chăm, các cột đá, ngưỡng đá bằng sa thạch được đục tay gắn vào tháp.
Khu sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp chính, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm, có tổng diện tích 65 m2, cao hơn nền sân chính là 0,9 m.
Bao quanh khu sân lễ hội có hệ thống tường bao xung quanh khu tháp phía trong cao 0,4 m, phía ngoài cao 1,92 m so với nền trong và nền ngoài. Bề rộng tối đa của tường là 0,56 m. Bốn góc tường bao là 4 trụ lớn hình chóp vuông có chiều rộng là 1,9m, chiều cao 4,2m nhìn từ phía ngoài.
Toàn bộ khu tháp có 2 hệ thống bậc lên xuống được xây bằng gạch tạo thành 2 đường ra vào tham quan có chiều rộng là 1,2m, mặt bậc rộng 0,25m.
Tháp Chăm được xem là biểu tượng và cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận. Không gian tâm linh này có ý nghĩa đặc biệt với đồng bào Chăm. Vì vậy, công trình xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng với đồng bào Chăm khi ra sinh hoạt tại Thủ đô.