Ông Hồ Văn Nhâm vốn là một nông dân chân lấm tay bùn ở thôn Bắc Ái – xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng đã làm được việc có thể gọi là “kỳ tích”, bởi ông Nhâm đã cứu được con gái Hồ Thị Hằng bị lừa bán qua nước ngoài, đồng thời “cảm hóa” được chồng của chị Hằng về thôn Bắc Ái ở cùng gia đình sau bốn năm chị Hằng làm vợ, làm mẹ nơi xứ người...
Cuộc điện thoại của cô con gái sau ba năm mất tích
Kỳ tích giải cứu con gái bị lừa bán sang bên kia biên giới của ông lão Hồ Văn Nhâm nổi tiếng khắp Phúc Yên, bà con ai cũng nhớ, cũng kể tường tận hành trình gần một năm “nuôi, giữ” kế hoạch của ông. Câu chuyện giải cứu con gái trôi qua cũng đã ba năm có lẻ, song với ông Nhâm tất cả vẫn còn nguyên vẹn như vừa mới hôm qua. Trong ngôi nhà nhỏ yên bình dưới tán rừng, người đàn ông nhỏ thó ấy đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện dài của cuộc hành trình giải cứu con gái.
Ông Nhâm say sưa kể lại hành trình giải cứu con gái và “thu phục” con rể .
Con gái ông - chị Hồ Thị Hằng sinh năm 1978. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, lại không lanh lợi bằng chị, bằng em nên đã ba mươi tuổi mà chị vẫn chưa có được niềm hạnh phúc giản đơn là làm vợ, làm mẹ. Quanh ra là núi, quanh vào là rừng mãi cũng chán, chị xin đi làm công nhân. Những ngày tháng xa nhà, chị yêu một người đàn ông cùng khu công nghiệp. Những tưởng hạnh phúc muộn mằn rồi cũng sẽ mỉm cười với chị, thế nhưng gã đàn ông ấy đã ruồng bỏ cả chị và giọt máu mà chị mang trong mình. Chị nghĩ hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ, nên vượt qua nỗi đau, vượt qua dị nghị của xóm làng, chị quyết định giữ lại đứa bé.
Làm người mẹ đơn thân khó khăn bộn bề, chị Hằng loay hoay tìm việc khắp nơi để trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Bà Đỗ Thị Xy (thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) là bác ruột bên ngoại, thấy chị khó khăn, lại có cô con gái là Trần Thị Hường đang ở bên Trung Quốc nên giữa năm 2006, bà Xy gọi điện nhờ Hường tìm việc làm cho em.
Việc bà Xy lên Ngọc Thanh thăm gia đình là chuyện bình thường, nên thấy bà Xy và vợ nhỏ to cả buổi với nhau ông cũng không hỏi han, sợ mang tiếng là khó tính. Đúng một tuần sau ông Nhâm có việc đi từ sáng đến chiều tối mới về nhà. Không thấy bóng dáng con gái đâu, ông hỏi bà thì bà bảo: “Cái Hường nhà bác Xy đã tìm được việc thu hoạch chuối, làm cỏ thuê cho Hằng ở bên Trung Quốc rồi. Chị em nó mới đi lúc chiều.” Ông Nhâm nghe vợ nói thế là máu trong người sôi lên sùng sục: “Con Hường sang đấy làm cave, cả họ đều biết, nó cũng đã lừa mấy đứa đi rồi mà bà còn để con Hằng đi theo nó??? Giờ thì bà sáng mắt ra chưa!” Ông chỉ kịp chì chiết vợ có thế rồi tức tốc lao xuống ga Phúc Yên. Đến nơi, nhân viên nhà ga bảo giờ này tàu đã lên đến Lào Cai rồi. Ông chết lặng giữa sân ga vì biết thế là đã mất con.
Xuôi ngược tìm con
Ông Nhâm long đong lận đận đi trình báo các cơ quan chức năng, nhưng vì sự việc không có chứng cứ nào rõ ràng nên việc tìm con của ông càng chìm vào vô vọng. Từng ngày, từng giờ đằng đẵng trôi qua, không một giây phút nào là ông không nhớ về đứa con gái hẩm phận của mình. Bẵng đi đến ba năm sau, người hàng xóm chạy sang gọi ông, bảo ông có điện thoại. “Phải mất ba năm nó mới tìm được cô Tám người Việt, cũng làm ăn bên đấy, rồi mới mượn điện thoại của cô ấy để gọi điện về nhà. Số máy bàn nhà tôi đã ngắt, may mắn thế nào mà nó lại nhớ được số của nhà hàng xóm. Vừa nhận ra được giọng con, cả hai bố con cùng khóc mếu, nó chỉ kịp đọc cho tôi địa chỉ Mã Quan - Vân Nam là đã phải về. Tôi gom góp, vay mượn anh em rồi cùng thằng con trai lên tàu ngay trong đêm hôm ấy.”
Nhớ lại đêm lên đường tìm con, ông Nhâm bảo: “Tôi chỉ nghĩ là phải đi tìm con thôi, cứ gặp được con đã rồi tính tiếp”. Trước khi lên tàu, ông Nhâm đã mua rất nhiều thẻ điện thoại để nạp, vì ông cũng đã liệu trước được rằng phải gọi đi rất nhiều lần mới gặp được con, mà lại là cước điện thoại quốc tế. Suốt thời gian trên tàu, ông chỉ biết liên lạc với số điện thoại của chị Tám - người đã cho con gái ông gọi nhờ điện thoại. Ông cùng con trai vừa làm thủ tục sang bên kia biên giới vừa nóng lòng sốt ruột không biết người thân của mình ra sao.
Nhác thấy bóng con gái đứng cùng một người phụ nữ nữa đón ở cửa khẩu Hà Khẩu, ông vừa mừng vừa lo, gặp được con, rồi phải làm thế nào để đưa được con về quê nhà nữa? Ông sai anh con trai về đón bà lên, còn mình theo con gái đến xã Mã Quan, huyện Vân Nam. “Trước khi gặp thằng con rể (Lý Bình Thọ), bố con tôi đã bàn nhau, nói rằng bố sang thăm.” Thấy mái lều độ mười mét vuông nằm chơ vơ lưng núi, mấy cái cọc gỗ dựng lên làm khung, tứ phía chằng đụp những bao tải cám con cò, nghe con gái bảo “nhà con đây”, ông thương con đến thắt cả ruột gan mà không dám khóc.
“Cảm hóa” để con rể không còn là khách
“Biết thằng con rể mồ côi từ tấm bé, lăn lóc đi làm thuê bao nhiêu năm mới đủ 3.000 nhân dân tệ để mua vợ nên tôi nghĩ mình phải dùng mưu, dùng cả tình cảm để lấy lòng nó (con rể) thôi. Có bao nhiêu tiền trong túi, tôi đưa cả cho thằng Thọ, ý bảo tao sang thăm chúng mày thôi, thấy chúng mày khổ quá nên tao cho tiền, mua lấy cái tivi mà xem, mua cả cái xe máy mà đi nữa.” Ông Nhâm ở lại với vợ chồng con rể, vừa trông cháu, vừa chờ bà vợ sang “thay chân” mình. “Tôi phải để bà ấy ở đấy với lý do là chăm cháu, chứ thực ra là để mình theo sát nó, lỡ mà nó đưa con mình đi đẩu đâu nữa thì có giời tìm. Tôi về nhà, xắn đất thổ cư ra bán lấy tiền, lại chạy sang đấy cho con rể tiền. Những lúc cho cháu đi chơi, tôi cũng phải đi ngược lên núi chứ không đi về phía đường lớn, kẻo mà thằng Thọ nó nghi ngờ.”
Gia đình ông Nhâm đoàn tụ. Chàng rể người Trung Quốc Lý Bình Thọ rất cảm phục tấm lòng bố vợ.
Mỗi lần chạy đi chạy lại cả hành trình hàng nghìn cây số mà ông Nhâm chỉ dám cắp nách mấy cái bánh mì, chai nước suối và bao thuốc lá. Mỗi lần về là lại một lần ông phải chạy vạy vay mượn, rồi bán đất bán cát lấy tiền sang đưa cho con rể, để nó biết rằng “ông bà sang thăm chúng mày, vì thấy chúng mày khổ quá nên cho tiền, thế thôi chứ chẳng có ý đồ gì cả.”
Sau một năm, sáu con người chui rúc trong mái lều tạm bợ, tạo được lòng tin nơi người con rể rồi, ông Nhâm mới ý tứ, thăm dò bảo “cho con Hằng về thăm quê, chỉ mình nó thôi, còn thằng con Minh và Công vẫn ở bên này với mày, với bà ngoại”. Dần dà cũng đã hiểu được tấm lòng của bố mẹ vợ nên Thọ để chị Hằng về thăm quê mấy lần. Đến khi thấy anh con rể đã tin bố mẹ vợ lắm rồi, ông Nhâm bảo: “Cả nhà mày về Việt Nam ăn Tết với ông bà.” Thọ theo bố mẹ, vợ con về Ngọc Thanh, ông Nhâm dẫn Thọ đi thăm ruộng nương, nhà cửa, ngầm ý rằng “ở bên này tuy nghèo, nhưng kinh tế vẫn còn khá hơn so với vợ chồng chúng mày ở bên kia nhiều lắm.”
“Biết nó chỉ có mấy anh em trai, mà ai cũng nghèo đói cả, lại mỗi đứa một nơi nên tôi dỗ: “Mày đưa cả vợ con về đây, tao làm nhà, giao ruộng cho mà làm”. Cái nhà mới ngoài kia là của vợ chồng nó đấy. Được cái nó tốt tính lắm, lại khéo làm ăn. Cả làng này có ai dám động đến ong bò vẽ đâu, thế mà nó vào rừng, bắt toàn ong bò vẽ về nuôi quanh nhà. Cứ một mình nó nuôi đàn ong rồi bán cho người ta ngâm rượu, được giá lắm”. Lý Bình Thọ ngồi bên hai cậu con trai Công, Minh, nghe bố vợ khen, Thọ ngước nhìn ông, ánh nhìn đầy biết ơn và tình cảm. Ônh Nhâm bảo: “Nó không nói được tiếng Việt thôi, chứ cái tình của mình, nó hiểu lắm”.
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử Trần Thị Hường 6 năm tù giam về tội “Mua bán người”. Hường phải bồi thường cho chị Hồ Thị Hằng 10 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. Trước đó, Trần Thị Hằng đã đến cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Vĩnh Phúc đầu thú và nhận tội. Còn Lý Bình Thọ là người đã mua chị Hằng, song Thọ là công dân Trung Quốc nên cơ quan điều tra không xử lý.
Bài, ảnh: Hoàng Ngọc Quân