Kỳ 3: Vụ chạy thận Hòa Bình: Luật sư bào chữa tiếp tục phản bác bản luận tội của Viện kiểm sát

24-05-2018 19:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Luật sư Phạm Quang Hòa, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn đã không đồng tình với bản luận tội và mức án quy kết cho Trần Văn Sơn đã phản bác đưa ra những luận điểm bào chữa cho Trần Văn Sơn.

Phần 1: Vi phạm về việc xác định sự thật khách quan của vụ án

Ngoài việc nêu ra cơ quan tố tụng đã Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng; Vi phạm quy định về Đối chất mà còn Vi phạm về việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư Phạm Quang Hòa cho biết: Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Xác định sự thật của vụ án có nêu rõ: “…Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ…”

Như vậy theo quy định của Pháp luật hiện hành nêu trên thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án. Tuy nhiên trong vụ án này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã vi phạm quy định này, đã không áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án, Cụ thể như sau:

Theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phần xét hỏi tại phiên tòa thì hệ thống lọc nước RO số 2 được Công ty Thiên Sơn cũng cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn nhập hệ thống lọc nước này từ Công ty Anh Quân.

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 15/06/2017 (BL 1474- 1475) ông Nguyễn Hồng Quân là giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Anh Quân có khai rõ: “Bộ hệ thống xử lý nước RO tôi lắp đặt được lắp ghép các linh kiện của các hãng khác nhau, không đồng bộ, nhiều linh kiện tôi không nhớ rõ”.

Sự việc của vụ án này xảy ra tất cả xuất phát từ hệ thống lọc nước RO. Như vậy về mặt nguyên tắc thì CQĐT phải điều tra, xác minh để làm rõ về nguồn gốc, về chất lượng của hệ thống lọc nước này. Tuy nhiên với căn cứ là lời khai của ông Nguyễn Hồng Quân như nêu trên, nhưng trong toàn bộ quá trình điều tra, CQĐT với rất nhiều buổi làm việc với ông Đỗ Anh Tuấn là giám đốc Công ty Thiên Sơn, nhưng tuyệt nhiên chưa lần nào CQĐT đề cập tới vấn đề như lời khai của Nguyễn Hồng Quân.

Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng: Nếu CQĐT làm rõ về chất lượng của hệ thống lọc nước RO này là sai quy trình, chất lượng, không đúng như hợp đồng đã ký kết. Thì tôi cho rằng cần phải xem xét rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này có phải do hành vi của các bị cáo gây nên hay không, hay lại cũng có nguyên nhân từ hệ thống lọc nước khi nó được lắp đặt không đúng quy cách, không đúng chất lượng mà các bên đã thỏa thuận.

Đây là việc CQĐT cần phải làm rõ. Nhưng CQĐT đã không đề cập bất kỳ một câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này trong toàn bộ quá trình làm việc với Công ty Thiên Sơn mà đại diện là ông Đỗ Anh Tuấn. Tôi cho rằng đây chính là vi phạm tố tụng, mà cụ thể là vi phạm Điều 15  - Xác định sự thật của vụ án được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như tôi đã nêu trên.

Phần 2: Không đồng tình đối với việc quy kết cho Trần Văn Sơn có hành vi Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Tiếp tục với phần bào chữa cho Trần Văn Sơn, Luật sư Phạm Quang Hòa, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng không đồng tình đối với việc quy kết cho Trần Văn Sơn có hành vi Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng, theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự về tội Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng thì hành vi khách quan của tội phạm là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng. Và đương nhiên những hành vi này phải vi phạm vào các quy định của Pháp luật hiện hành. Vậy Trần Văn Sơn có hành vi vi phạm này hay không??? Tôi cho rằng về vấn đề này thì cần cẩn trọng xem xét và đánh giá sao cho đúng bản chất của sự việc, Luật sư Hòa cho biết.

Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình quy kết cho Trần Văn Sơn đã có hành vi vi phạm, cụ thể là có 3 hành vi. Hành vi thứ nhất: Trần Văn Sơn đã không trực tiếp có mặt, không theo dõi giám sát theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao.

Thiếu trách nhiệm ở đây là bỏ về không giám sát. Nhưng ở đây cần phải hiểu bản chất vấn đề là thực sự Trần Văn Sơn có trách nhiệm giám sát hay không? Và giám sát thì giám sát cái gì, và giám sát nội dung gì?

Ở đây cơ quan buộc tội đang quy kết trách nhiệm cho Trần Văn Sơn đó là phải thực hiện việc giám sát về chất lượng sửa chữa bảo dưỡng, phải giám sát được việc đó thì mới đạt yêu cầu. Tuy nhiên thì Trần Văn Sơn có được khả năng để giám sát chất lượng cho đạt yêu cầu không?

Trong quá trình Cơ quan điều tra làm việc với Trần Văn Sơn thì tôi cũng được tạo điều kiện dự rất nhiều buổi làm việc. Tại các buổi làm việc đó Trần Văn Sơn luôn luôn nhấn mạnh một điều rằng là “Tôi chỉ ở lại chứng kiến chứ không phải giám sát”, Luật sư Hòa cho biết.

Vậy tại sao Sơn luôn luôn nhấn mạnh điều đó khi làm việc với CQĐT? Bởi vì sao? Bởi vì bản chất Trần Văn Sơn đâu có hiểu gì về những nội dung đó đâu mà ở lại để thực hiện việc giám sát!

Bản thân Trần Văn Sơn tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật y tế, ngành thiết bị hình ảnh. Sau đó được cử đi học Đại học liên thông, ngành kỹ thuật y sinh. Như vậy bản thân Trần Văn Sơn không hề được đào tạo và có bất kỳ một sự hiểu biết nào liên quan đến hệ thống lọc nước RO. Vậy vấn đề phân công cho Sơn thực hiện những nhiệm vụ như hồ sơ vụ án thể hiện giả sử nếu có thật đi chăng nữa thì liệu rằng Sơn có đủ năng lực để thực hiện cái trách nhiệm đó hay không ? Đây cũng là một vấn đề rất cần sự đánh giá khách quan của HĐXX!

Thế còn nói về việc nhận trách nhiệm phân công công tác thì chúng ta sẽ phải trở lại một chút về cái bản phân công công tác. Đối với Trần Văn Sơn sau khi tôi sao chụp hồ sơ và vào trại làm việc với Trần Văn Sơn và cho Sơn xem Bản phân công công tác do ông Trần Văn Thắng tự lập và tự ký thì lúc đó Trần Văn Sơn cho biết mới lần đầu tiên nhìn thấy bản phân công công tác này. Còn thực tế trước đây là cứ tự nhìn nhau mà làm thôi. Chả có một cái kế hoạch phân công phân nhiệm, không ra hình thức của một tổ chức nghề nghiệp gì cả. Do vậy những vấn đề này sẽ liên quan đến trách nhiệm của những người lãnh đạo.

Tuy nhiên, nói về nội dung chính đó là Trần Văn Sơn có trách nhiệm hay không? Quy kết của cơ quan buộc tội ở đây là không giám sát là thiếu trách nhiệm. Nhưng, vấn đề ở đây chính là có trách nhiệm hay không mà thiếu. Nếu không có trách nhiệm, không đủ điều kiện năng lực để có trách nhiệm với một công việc cụ thể thì làm sao mà ta có thể xác định rằng là thiếu trách nhiệm, là có thể không làm hoặc làm không đầy đủ trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề mà cần phải để HĐXX đánh giá và xem xét một cách thấu đáo, thấu tình đạt lý và đúng bản chất sự thật của vụ việc.

Tại phiên tòa ông Hoàng Đình Khiếu là Phó giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa hồi sức tích cực khai rõ ràng rằng: Bản thân ông hoàn toàn không được giao cho Hợp đồng, không nắm được nội dung hợp đồng nên không thể giám sát được. Bản thân ông Khiếu là người có trách nhiệm quyền hạn tại Bệnh viện chỉ sau mỗi Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương mà còn không biết gì, không có khả năng giám sát được Hợp đồng này và đặc biệt là đã không bị quy kết trách nhiệm gì trong vụ việc này - thì Trần Văn Sơn chỉ là 1 cán bộ, một nhân viên bình thường của Bệnh viện thì cũng không thể có trách nhiệm gì đối với sự việc này là điều hoàn toàn hợp lý.

Nếu cho rằng Sơn có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện hợp đồng nhưng trong tay ko có hợp đồng, ko hề nắm được các điều kiện, điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng thì giám sát cái gì?. Khác nào bắt người ta đi câu những ko đưa cho họ cái cần câu thì người ta câu làm sao được.

Do đó quan điểm của tôi cho rằng từ việc không có mặt, không theo dõi quá trình Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và rồi từ đó cơ quan buộc tội cáo buộc cho Trần Văn Sơn là thiếu tinh thần trách nhiệm là hoàn toàn ko đủ căn cứ với một bối cảnh cụ thể như đã trình bày.

Phần 3: HĐXX cần xem xét và đánh giá 1 cách khách quan toàn diện

Bào chữa về hành vi Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của bị cáo Trần Văn Sơn, phân tích hành vi Trần Văn Sơn biết rõ Bùi Mạnh Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng đã giao lại qua điện thoại cho Điều dưỡng viên của Đơn nguyên thận nhân tạo, không báo cáo cụ thể cho lãnh đạo phòng như trong cáo buộc của Viện kiểm sát.

 

Luật sư Hòa cho rằng: Việc Trần Văn Sơn bị quy kết chính là việc đã thông báo cho chị Đỗ Thị Điệp việc sửa chữa đã xong và ngày mai vận hành máy bình thường. Từ đó dẫn đến việc các điều dưỡng viên của khoa lọc máu đã tiến hành vận hành máy khi chưa đủ các điều kiện yêu cầu mà cụ thể là chưa lấy mẫu nước xét nghiệm.

Về vấn đề này thì trước tiên chúng ta lại cần phải xác định về giá trị tin cậy của việc khai báo của những người liên quan trong vấn đề này. Chị Đỗ Thị Điệp thì cho rằng Trần Văn Sơn đã thông báo như vậy, trong khi đó Trần Văn Sơn thì phủ nhận điều này. Vậy thì trong trường hợp này ai khai đúng, ai khai sai? Đây là vấn đề cần đến sự đánh giá khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng đó là: Người nào khai là có cơ sở và người nào khai là không có cơ sở?

Trần Văn Sơn thì nói rằng không thông báo như vậy. Đỗ Thị Điệp thì lại nói ngươc lại. Ở đây tôi cho rằng cần phải xem xét và đánh giá ở một góc độ đó là Trần Văn Sơn nói có đúng hay không? Để có cơ sở xác định vấn đề này, thì sẽ phải lật lại những lời khai của các đối tượng liên quan trong sự việc này. Lời khai của Bùi Mạnh Quốc đã nói rất rõ ràng rằng giữa Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn đã có việc hẹn ở lại ngày hôm sau. Vậy ở lại ngày hôm sau để làm gì? Chính là việc ở lại để lấy mẫu nước xét nghiệm. Nếu mà xong hết các công việc rồi thì không lý do gì Quốc phải ở lại thêm 1 ngày nữa để làm gì?

Và chính bản thân người lên khóa cửa Khoa là anh Nguyễn Danh Quang, thì trong lời khai của mình Nguyễn Danh Quang cũng thừa nhận việc Quốc có nói với anh Quang về việc ở lại để ngày mai lấy mẫu nước xét nghiệm. Tức là hoàn toàn có cơ sở để kết luận rằng giữa Quốc và Sơn là có việc thỏa thuận đó. Vậy không nhẽ khi mà Sơn đã thoả thuận với Quốc như vậy mà Sơn lại đi thông báo với cả chị Điệp là xong hết rồi à? Nếu đánh giá về mặt lôgic sự việc thì đây là điều hoàn toàn không hợp lý, Luật sư Hòa phân tích.

Tuy nhiên đặt ở góc độ của chị Điệp, cũng như là các Điều dưỡng viên của Đơn nguyên lọc thận. Tức là tôi tạm cho là tin lời khai của chị Điệp, có nghĩa là tạm cho rằng có việc Sơn nói như thế đi, thế nhưng mà tôi xin nói rằng: Tất cả các điều dưỡng viên ở Đơn nguyên lọc thận đều được đào tạo có chuyên môn ít nhiều liên quan đến cái việc chạy thận. Ngược lại Sơn không có được một chút chuyên môn nào liên quan đến lĩnh vực này. Như vậy về mặt nguyên tắc, những người hiểu biết như vậy có thể nghe 1 lời thông báo bằng miệng của một người không có chuyên môn để rồi cho làm cái việc đó hay không? Và mọi người ở đây đều phải hiểu được rằng là cái việc xét nghiệm nước đấy nó không phải thực hiện được ngay một sớm một chiều. Ai cũng biết rằng cái ngày 28/5 đó là ngày thực hiện việc bảo dưỡng sửa chữa và đến chiều tối mới xong, thì làm sao, mà có thời gian để lấy mẫu nước xét nghiệm được. Như vậy thì sẽ chỉ có thể xảy ra một khả năng đó là vô trách nhiệm và khả năng thứ hai là bản thân chính họ cũng không hiểu gì về cái việc lấy mẫu nước xét nghiệm là thế nào? Và cả 2 khả năng này đều không liên quan đến trách nhiệm của Sơn.

Do đó, thứ nhất là tôi thấy rằng không đủ căn cứ để khẳng định rằng Sơn thông báo với chị Điệp nội dung như đang bị cáo buộc. Và cho dù Sơn có thông báo cái điều đó thì cũng ko phải là cơ sở để các Điều dưỡng viên cho vận hành máy chạy thận vì vấn đề này nó sẽ liên quan đến vấn đề chuyên môn, và đây là chuyên môn của từng bộ phận một. Đây là một hành vi mà Cơ quan điều tra đang cho rằng đây là hành vi thiếu trách nhiệm của Sơn. Đồng thời nó cũng là căn cứ để phản ánh cái mối quan hệ nhân quả ấy để dẫn đến hậu quả chết người để kết tội cho bị cáo thì tôi cho rằng đây là vấn đề ko hợp lý. Chưa đủ cơ sở để quy kết rằng Sơn đã có hành vi đó là cái thứ nhất. Đồng thời đó là cho dù Sơn có hành vi đó thì cũng chưa đủ cơ sở quy kết rằng chính cái hành vi đó dẫn đến hậu quả làm chết 8 người. Thì đấy là những vấn đề rất cần HĐXX xem xét và đánh giá 1 cách khách quan toàn diện.

Phần 4: không đủ cơ sở kết luận Trần Văn Sơn đã có hành vi Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Bào chữa về việc sáng ngày 29/05/2017 có mặt tại Đơn nguyên thận nhưng để mặc cho Đơn nguyên thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, làm 8 người tử vong của bị cáo Trần Văn Sơn.

Theo Luật sư Phạm Quang Hòa, sáng 29/5, Sơn đến thấy vận hành máy mà không có cảnh báo để cho mọi người tiếp tục thực hiện. Việc này cũng tương tự như những vấn đề tôi đã nói ở trên đó là: Phải quay trở về cái gốc của nó, tức là cái bản chất thật của vấn đề đó là: Bản thân Trần Văn Sơn có được đào tạo, có năng lực, có sự hiểu biết gì liên quan đến cái lĩnh vực chạy thận này không?

Bản thân các điều dưỡng viên tại Đơn nguyên lọc thận còn không hiểu được thế nào là cái việc xét nghiệm mẫu nước theo tiêu chuẩn AAMI, nữa là đối với một người ko hề được đào tạo 1 tý gì liên quan đến chạy thận như Sơn. Bản thân họ làm sao ý thức được rằng việc đó nó quan trọng đến mức nào, nó ảnh hưởng đến mức độ nào. Và cũng một vấn đề nữa ở đây đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét đó là chính bản thân Bùi Mạnh Quốc cũng đã lý giải rằng là đã nhiều lần cảnh báo nhưng ko ai nghe vì từ trước tới nay chưa bao giờ có làm cái việc này. (Lấy mẫu nước xét ngiệm theo tiêu chuẩn AAMI)

Tuy nhiên theo lời khai của ông Trương Quý Dương thì việc lấy mẫu nước xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI là quy định bắt buộc, nhưng mà từ trước đến nay bệnh viện chưa bao giờ thực hiện, vậy thì cái trách nhiệm của những người lãnh đạo ở đâu? Những người có chuyên môn, những người có hiểu biết, những người có trách nhiệm, những người có quyền hạn thì trách nhiệm để đâu. Và đến lần này ko may nó xảy ra, thế còn bao nhiêu lần trước thì ko sao thì thôi ko ai phải chịu trách nhiệm cả. Lần này ko may xảy ra thì lại quy kết cho các con người ở đây, cụ thể là 2 cán bộ nhân viên của bệnh viện tỉnh Hòa Bình và những con người này tôi cho rằng họ hoàn toàn bị động trong việc này. Hoàn toàn ko có đủ điều kiện năng lực vậy thì làm sao lại bắt họ phải chịu trách nhiệm về những việc nằm ngoài khả năng của họ!

Vì vậy ko thể cho rằng Sơn ko cảnh báo cái việc này cần phải làm rõ đó là Sơn biết gì mà cảnh báo? Sơn có hiểu cái đấy nó nguy hiểm đến mức độ nào đâu và nó có cần thiết hay không? Bởi vì từ trước tới nay thực tế là chưa bao giờ làm cái việc đấy, đây là lần đầu tiên. Từ trước đến nay có xảy ra cái gì đâu, vậy thì có cơ sở nào để cảnh báo? Cảnh báo cái gì trong khi một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm đó là Hợp đồng sửa chữa bảo dưỡng ký kết giữa Bệnh viện và đơn vị thực hiện thì Sơn cũng không được biết, không được nắm rõ.

Luật sư Phạm Quang Hòa chia sẻ thêm: “Trong vụ án này về cơ bản luật sư rất đồng tình rằng quan điểm của các LS đồng nghiệp của tôi đó là ở đây cần phải xem xét để đi đến cùng của sự thật khách quan của vụ án. Phải tìm ra nguyên nhân cốt lõi ở đây là xuất phát từ đâu?

Tại phiên tòa Trần Văn Sơn có trả lời với HĐXX 1 câu rằng: Sơn cảm thấy có lỗi!

Ở đây chúng ta cần phải nói rõ với nhau 1 điều rằng: Không phải cứ có yếu tố lỗi là phạm tội hình sự. Điều này hoàn toàn ko đúng. Có thể có yếu tố lỗi xảy ra. Tuy nhiên cái lỗi đó phải vi phạm, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm hình sự được quy định trong bộ luật hình sự việt nam thì mới xử lý hình sự được. Nếu cái lỗi đó có thể có, nhưng ko vi phạm, ko thỏa mãn dấu hiệu của một quy định nào đó tại Bộ luật hình sự Việt Nam thì chưa thể coi là tội phạm hình sự được. Thực tiến cũng đã có phản ánh rõ về vấn đề này đó là: Có những yếu tố lỗi chỉ xử lý nội bộ, có những yếu tố lỗi vi phạm các quy định về hành chính, kinh tế vv. vvv… Chứ ko phải là cứ có yếu tố lỗi là vi phạm pháp luật hình sự.

Tóm lại, nếu chỉ với những căn cứ như vậy mà quy kết đó là phạm tội Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì tôi cho rằng đây là sự suy diễn thiếu căn cứ, suy diễn mang tính chất buộc tội, gây bất lợi cho bị can bị cáo. Việc suy diễn như vậy là trái nguyên tắc tromng việc điều tra, truy tố và xét xử đối với các vụ án hình sự.

Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tung hình sự, góp phần hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ quyền con người. Theo đó 1 người bị buộc tội được coi là ko có tội cho đến khi tội phạm của họ được chứng minh theo trình tự thủ tục luật định. Chúng tôi mong rằng HĐXX sẽ xem xét và áp dụng cho Trần Văn Sơn dựa trên nguyên tắc này.

Từ toàn bộ những phân tích nêu trên, với tư cách Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Văn Sơn, tôi cho rằng không đủ cơ sở kết luận Trần Văn Sơn đã có hành vi “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như quy kết của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình và như vậy không đủ căn cứ để truy tố Trần Văn Sơn.

Tuy nhiên, nếu cần thiết phải thận trọng, tránh việc đưa ra phán quyết sai lầm và để đảm bảo được tính khách quan của vụ án với những vấn đề cần làm rõ, đề nghị quý Tòa với chức năng và quyền hạn của mình ra quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án để Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và khắc phục những vấn đề như tôi đã trình trên. Theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 01 ngày 27/08/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ điều tra bổ xung, trên tinh thần thực hiện nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

 


Ý kiến của bạn