Bệnh nhân Hán Trung Quang ở Tam Nông, Phú Thọ sau khi điều trị tại TTYT huyện Thanh Thủy có thư nói cảm xúc của mình: Tôi đã từng đi điều trị và chăm người bệnh ở nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi điều trị ở phòng số 2, tầng 5, của TTYT Thanh Thủy. Cảm nhận của tôi ở đây có nhiều cái hơn: Khuân viên Trung tâm khiến người bệnh cảm thấy an lành
Trung tâm rất sạch sẽ, nhiều bức tường được trang trí đẹp, có ảnh, làm người bệnh rất vui. Cơ sở vật chất phục vụ người bệnh rất tốt. Lãnh đạo, bác sĩ, điều dưỡng viên rất tận tình, chu đáo với người bệnh, được tôi và các bệnh nhân khác rất quý..".
Những lá thư của người dân sau khi khỏe mạnh về nhà được gửi lại cho thầy thuốc TTYT huyện Thanh Thủy là lời cảm ơn rõ nét nhất, thể hiện tin tưởng, đặt trọn niềm tin vào thầy thuốc nơi đây.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy là Trung tâm Y tế đa chức năng, về giường bệnh điều trị trung tâm được giao chỉ tiêu 500 giường bệnh theo kế hoạch. Riêng khối khám bệnh, chữa bệnh hiện trung tâm có 252 người, nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
10 tháng đầu tháng năm 2023, TTYT huyện Thanh Thủy về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả nhất định trong công tác khám, chữa bệnh. Triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao (danh mục kỹ thuật tuyến trên theo phân cấp chuyên môn) lần đầu tiên áp dụng tại đơn vị và đặc biệt không để xảy ra sai sót về chuyên môn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Số lượt người bệnh đa tuyến đến khám, điều trị tại đơn vị tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Để có bước phát triển "thần tốc" trong 4 năm từ đơn vị y tế trung bình trong tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, TTYT Thanh Thủy được công nhận là đơn vị y tế hạng I là sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ y tế.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, trung tâm đã thu hút các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, máy móc thiết bị hiện đại, đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên môn để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân. Cơ sở hạ tầng được đầu tư càng khang trang, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại.
Năm 2017, Trung tâm đầu tư xây dựng tòa nhà điều trị bảy tầng được đưa vào sử dụng đầu năm 2019, trị giá 96,8 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết, bên cạnh đó, mạnh dạn mua sắm trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa là 33,9 tỷ đồng. Nhờ có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đồng bộ và quan trọng là sự hợp tác chặt chẽ với BVĐK tỉnh Phú Thọ, các bệnh viện trung ương nên chỉ trong thời gian ngắn người dân trong huyện đã tin tưởng đến điều trị tại cơ sở y tế của huyện mình.
"Thiếu tiền có thể đi vay. Thiếu cơ sở vật chất tập trung xây dựng. Nhưng thiếu con người, thiếu nhân lực chất lượng cao không thể thay đổi về chất lượng khám, chữa bệnh, khi đó trung tâm chỉ là cơ sở hào nhoáng bên ngoài", lãnh đạo TTYT huyện Thanh Thủy bộc bạch.
Vì vậy song song với đầu tư cơ sở vật chật là cả bộ máy của trung tâm lo mời chuyên gia tuyến trên về trực tiếp khám chữa bệnh đồng thời đào tạo ngay tại chỗ cho cán bộ y tế.
TTYT Thanh Thủy, tập trung thực hiện luân phiên đào tạo cán bộ tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương để nâng cao trình độ chuyên môn mang tính chuyên nghiệp ở từng vị trí việc làm.
Trường hợp anh H 45 tuổi ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ bị tai nạn giao thông là một ví dụ cho thấy bệnh viện tuyến Trung ương luôn sát cùng cùng TTYT Thanh Thủy. Anh H. trước khi vào viện 2 giờ, đi xe máy tự ngã, sau ngã đau nhiều vùng lưng và chân, không đi lại được, gia đình đưa vào TTYT huyện Thanh Thủy điều trị.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp - Liên chuyên khoa thăm khám và chỉ định cận lâm sàng. Kết quả chụp cộng hưởng từ vùng cột sống thắt lưng người bệnh cho thấy hình ảnh vỡ lún đốt sống L1 - rách dây chằng gai T12/L1.
Ngay lập tức, bác sĩ TTYT Thanh Thủy đã hội chẩn với chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và thống nhất chỉ định phẫu thuật cố định cột sống cho người bệnh dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật thành công. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, tự đi lại được, và được ra viện.
Đào tạo luân phiên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, kỹ năng giao tiếp ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp với định hướng phát triển của đơn vị và mô hình bệnh tật tại địa phương.
Đồng thời, TTYT Thanh Thủy là bệnh viện vệ tinh của BVĐK tỉnh Phú Thọ: Liên tục có BS chuyên khoa BVĐK tỉnh Phú Thọ thuộc các lĩnh vực: Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Hồi sức cấp cứu.. trực tiếp về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật đồng thời trực tiếp tham gia công tác khám, chữa bệnh tại trung tâm.
TTYT Thanh Thủy thường xuyên triển khai hình thức khám, chữa bệnh do các chuyên gia tuyến Trung ương ở hầu hết các chuyên ngành vào các ngày cuối tuần. Tham gia chương trình khám chữa bệnh từ xa Teleheath, trực tiếp hội chẩn trực tuyến, sinh hoạt khoa học chuyên đề với các BV tuyến Trung ương: BV Bạch Mai; BV Ung bướu Hà Nội; BV Nội tiết Trung ương….
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học từ đầu năm 2023. Đến cuối tháng 3 năm 2023, Hội đồng Khoa học kỹ thuật nghiệm thu và thông qua 19 đề cương Đề tài nghiên cứu khoa học.
Rất hiếm, một đơn vị y tế công lập nào tặng họa, quà chúc mừng sinh nhật bệnh nhân đang điều trị nội trú và TTYT huyện Thanh Thủy đã làm được việc đó. 1 bó hoa, 1 gói quà nhỏ tặng người bệnh đã làm ấm lòng bệnh nhân đang trên giường bệnh. Từ sự quan tâm nhỏ này, nhiều bệnh nhân từ Ba Vì (Hà Nội), huyện bạn cũng tin tưởng tìm đến chữa bệnh.
Có thể nói, trong 7 năm lại đây, dù trải qua 3 năm đại dịch COVID-19, y tế tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực vượt qua khó. Sau đại dịch là chồng chất khó khăn tiếp nối, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt, nếu không chủ động, sáng tạo và đủ lòng quyết tâm dám nghĩ, dám làm sẽ còn bộn bề phức tạp.
BVĐK tỉnh Phú Thọ - với cương vị là bệnh viện tuyến cuối, vừa đảm đương công tác khám, chữa bệnh tại viện, vừa sẵn sàng đón nhận đào tạo cho thầy thuốc trong tỉnh, và chi viện khi cần thiết đã hỗ trợ cho y tế huyện trong tỉnh bằng cả trái tim và khối óc.
Các bệnh viện tuyến huyện như TTYT Cẩm Khê, TTYT Thanh Thủy với tư duy mới, mạnh dạn trong mời chuyên gia trung ương thường xuyên về trực tiếp khám chữa bệnh tại cơ sở, tận dụng CNTT như PACS, Telehealth, Telemedicine…thu ngắn khoảng cách về chất lượng điều trị. Quan trọng nhất người dân trong huyện, trong tỉnh Phú Thọ đã ít phải "khan gói, quả mướp" về trung ương!