Sẵn sàng tặng lại tàu ngầm đang nghiên cứu cho người có đam mê
Sáng ngày 8/7, KS Nguyễn Quốc Hòa, (Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết, vì lý do sức khỏe không đảm bảo để tiếp tục nghiên cứu nên ông đưa ra thông báo chính thức về việc chuyển nhượng lại sản phẩm tàu ngầm Trường Sa 1 của mình cho bất cứ người nào có khả năng và đam mê nghiên cứu lĩnh vực này.
Trong thông báo trên trang facebook cá nhân của mình, KS Nguyễn Quốc Hòa viết: "Vì khả năng tài chính và sức khoẻ không cho phép mình tiếp tục dự án đuợc nữa . Mình sẵn sàng chuyển nhượng dự án tầu ngầm này cho ai có khả năng và đam mê với tầu ngầm mini".
Khi được hỏi về điều kiện chuyển nhượng là gì, KS Nguyễn Quốc Hòa nói: "Tôi không yêu cầu bất cứ điều kiện gì và sẵn sàng chuyển nhượng dự án tàu ngầm cho bất kỳ ai miễn là có khả năng và đam mê nghiên cứu tàu ngầm".
Năm 2014, khi đó đang là kỹ sư chế tạo máy cơ khí tại Thái Bình, KS Nguyễn Quốc Hòa đã nung nấu ý tưởng tạo nên những chiếc tàu ngầm do chính tay người Việt Nam làm ra. Ở phiên bản đầu tiên, chiếc tàu ngầm mang tên Trường Sa 1 với công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập) do ông mày mò thiết kế sản xuất đã được nhiều nhà khoa học trong nước đánh giá cao.
Tàu ngầm mini Trường Sa 1 có chiều dài 9 mét, cao 3 mét, được trang bị 2 động cơ diezel 90 Hp, hoạt động bằng Hệ thống không khí độc lập tuần hoàn (AIP). Tốc độ thiết kế tối đa 40km/h; Bán kính hoạt động 800 km; Thời gian lặn 15 giờ; Độ sâu lặn tối đa 50m.
Đến năm 2015, phiên bản tàu ngầm mini cải tiến mang tên Hoàng Sa ra đời với nhiều tính năng và công nghệ vượt trội, có thể chạy ngầm, lặn sâu và nổi lên mặt biển nhịp nhàng. Vào tháng 7/2016, ông Hòa đã thử nghiệm tàu ngầm Hoàng Sa tại khu vực biển tỉnh Quảng Ninh. Sau buổi thử nghiệm, ông Hòa nói rằng: "Buổi thử nghiệm tàu thành công, Hội đồng kết luận tàu Hoàng Sa đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn để chạy được trên biển".
Tiếp đó, đến tháng 5/2018, KS Nguyễn Quốc Hòa đã khởi động đóng mới tàu ngầm Trường Sa. Tàu ngầm Trường Sa 2 dài 9 m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu 1,8 m, sức chứa tối đa 6 thủy thủ đoàn. Tàu có vận tốc 35 km mỗi giờ, lặn sâu 250 m và tầm hoạt động 3.000 km.
Chế tạo tàu ngầm với nhiều phiên bản nêu trên tiêu tốn của KS Nguyễn Quốc Hòa hàng chục tỷ đồng. Ông có đam mê cháy bỏng với hy vọng tàu ngầm "made in Việt Nam sẽ vươn khơi" song đến nay do sức khỏe yếu, ông khó có thể duy trì nên chuyển nhượng lại.
Mơ ước tàu ngầm made in Việt Nam vươn khơi
Theo KS Nguyễn Quốc Hòa, tàu Trường Sa 02 lớn hơn tàu Trường Sa 01 khá nhiều, vì thế trong quá trình hoạt động sản xuất cũng có nhiều khó khăn. Trước đây ông Hòa đã có thể thu gọn công nghệ AIP và trang thiết bị cần thiết khác cho tàu Trường Sa 01.
Khi tiến hành với chiếc tàu có kích cỡ lớn hơn như Trường Sa 02, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu và thay đổi công nghệ AIP này một lần nữa với những bước tính nâng cao chất lượng hơn. Và những sự thay đổi này đều cần có các bước thử nghiệm thật sự cẩn thận và chi tiết.
Do kích cỡ lớn hơn, phần chịu lực của thân vỏ tàu ngầm cũng phải được tính toán cụ thể, thử nghiệm với từng bộ phận, từng mối hàn. Ngoài ra, động cơ vận hành cho tàu ngầm Trường Sa 2, chân vịt và bộ dẫn lái, dẫn động đều phải thay mới cho phù hợp với kích thước mới.
Công nghệ AIP (Air Independent Propulsion - động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập), được ông Narcís Monturiol i Estarriol, kỹ sư người Tây Ban Nha đề xuất. Năm 1867, ông chế tạo thành công động cơ đẩy không khí độc lập dựa trên một phản ứng hóa học. Hiện có nhiều khái niệm quanh công nghệ AIP nhưng có cùng một nguyên tắc là giúp động cơ hoạt động dưới nước mà không cần đến ống thông hơi. Động cơ sử dụng công nghệ này không phải nước nào cũng có thể chế tạo.
Tháng 10/2021, trên trang mạng cá nhân của mình, KS Nguyễn Quốc Hòa đã viết những dòng tâm thư. Anh kêu gọi những người yêu mến, những mạnh thường quân ủng hộ về tài chính để cho mình tiếp tục hoàn thành ước mơ của mình. "Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người mà tầu ngầm Trường sa 02 đã được lắp thêm và thay mới hàng loạt các thiết bị vô tuyến, siêu âm, định hướng .... hiện đại hơn , an toàn hơn nhiều lần khi lặn sâu", KS Hòa chia sẻ.
Câu chuyện KS Nguyễn Quốc Hòa đi xin tiền để làm tàu ngầm, ông thực sự xúc động và ngạc nhiên khi thấy đồng bào ở trên mọi miền Tổ quốc gửi tiền về cho làm tàu ngầm. Có những người ủng hộ từ vài trăm triệu cho đến những cháu bé gửi cho anh 50 nghìn đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn ông phải ra thông báo dừng nhận hỗ trợ do đã đủ tiền trang bị những thiết bị cần thiết nhất cho tầu ngầm mini Trường sa 02.
"Trường Sa 2 được xem như phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm kilo 636, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật khắt khe nhất của một tàu ngầm mini với hệ thống điều khiển điện tử tự động gần như hoàn toàn", ông cho hay.
Điều mong muốn lớn nhất của KS Nguyễn Quốc Hòa ở thời điểm này là tìm được một người có đam mê nghiên cứu tàu ngầm và chung ý tưởng, chung hy vọng một ngày nào đó, tàu ngầm made in Việt Nam có thể vươn khơi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 8/7.