Kratié (Campuchia): tuy lạ nhưng không xa

13-03-2018 10:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Có lẽ khi nhắc đến du lịch Campuchia thì người ta sẽ nghĩ ngay đến quần thể đền đài Angkor hoành tráng, một trong những di sản của cả nhân loại. Angkor thuộc tỉnh Siem Reap phía tây đất nước Chùa Tháp.

Rất ít khách du lịch có cơ hội “đi lạc” vô vùng phía đông, nơi có tỉnh Kratié (một số người Việt gọi là Cần Ché), nơi dân cư còn khá thưa và đời sống vẫn còn mang đậm đặc trưng nông thôn chứ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi thế giới hiện đại.

Kratié (Campuchia)

Cảnh chụp sông Mê Kông, đoạn chảy qua tỉnh Kratié

Tỉnh lỵ của Kratié là thị xã Kratié nhỏ nhắn nép mình bên dòng Mê Kông, và cách thủ đô Phnom Penh hơn 300km phía bắc đông bắc. Thị xã còn khá nhiều các khu nhà kiến trúc Pháp do người Pháp xây dựng trước đây. Khu vực tập trung nhiều quán cà phê và khách sạn nhỏ là khu chợ trung tâm hoặc đối diện sông Mê Kông. Thả bộ chầm chậm dọc “con sông Mẹ” khi chiều tà là thời gian lý tưởng để tận hưởng quang cảnh hoàng hôn. Hãy hình dung khung cảnh nhé: gió từ sông thổi lên mát rượi, đường phố vắng chứ không ồn ào như các đô thị lớn ở Việt Nam, hoàng hôn có màu như một trái cam khổng lồ và đậm màu rơi xuống thật chậm. Khi mặt trời đã lặn phía xa xa, bầu trời hiện ra những một vệt sáng màu tim tím tiệp màu với các ngôi biệt thự xây thời thuộc địa Pháp, và cũng cùng tông màu với nhà sàn bằng gỗ truyền thống của người dân địa phương. Khi thị xã đã lên đèn, bến sông rất vắng chứ không phải san sát những quán nhậu dọc kênh như ở TP.HCM.

Kratié (Campuchia)Cá heo nước ngọt Kratié

Khúc sông Mê Kông ở Kratié có khá nhiều cù lao trải dài giữa sông. Đoạn sông phía bắc thị xã thuộc làng Kampie có nhiều chỗ rất sâu, là nơi sinh sống của loài cá heo sông Mê Kông (tên khoa học: cá heo Irrawaddy) đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đa phần khách du lịch tìm đến Kratié là vì lý do này: đến để tận mắt thấy những chú cá heo nước ngọt, vì thấy cá heo đại dương là điều bình thường. Nhưng đa số lại không may mắn để thấy được chúng, vì những con “cá” thở bằng phổi này rất nhút nhát, chỉ trồi cái mũi nhỏ lên để lấy oxy khi cần thiết, xong rồi lặn mất tăm, mà thiên nhiên lại tạo cho màu da của chúng rất gần với màu nước sông. Do vậy, thấy được chúng trên sông là chỉ là câu chuyện may rủi.

Nhiều năm trước đây, dòng sông Mê Kông là nơi cư trú của hàng ngàn con cá heo Irrawaddy. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện sống bị thay đổi quá nhiều nên cá heo Irrawaddy chỉ còn sống ở đoạn sông Mê Kông từ biên giới Lào - Campuchia cho đến tỉnh Kratié. Chúng được xem là động vật cực kỳ quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.

Kratié (Campuchia)Tượng cá heo gỗ ở được bán ở bến Kampie

Ngay trung tâm thị xã Kratié, tôi thấy một tấm bản đồ nhỏ khá lạ. Bản đồ bằng kim loại có ghi các điểm du lịch của thị xã, trong đó có hình chú cá heo và nơi ở tên là Kampie cách trung tâm khoảng 15km hướng thượng nguồn. Chúng tôi lên xe theo con đường nhỏ khá dằn xóc chạy dọc sông Mê Kông đến Kampie.

Ngay cổng vào bến thuyền Kampie là tượng một chú cá heo to bằng ximăng, bên trong có nhiều hàng quán bày bán tượng cá heo gỗ nho nhỏ cho du khách, và có tấm bảng kể về truyền thuyết cá heo. Chuyện kể rằng có cô gái ngoan hiền, nết na nhưng gia đình rất nghèo, một hôm cô vào miếu thờ trong rừng cầu xin có được một tấm chồng. Rắn thần nghe thấy liền nói hãy đưa rắn về làm chồng. Lễ cưới đã diễn ra. Đêm động phòng hoa chúc rắn hóa thành chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Từ đó trở đi chàng giúp gia đình vợ làm ăn khấm khá.

Kratié (Campuchia)Truyền thuyết cá heo sông Mê Kông tại Kampie (tiếng Khmer)

Có gia đình hàng xóm thấy vậy cũng vào rừng đưa một con rắn to về làm lễ cưới cho con gái. Đêm động phòng nghe con gái la: “Mẹ ơi! Nó đã nuốt đến chân con”. Người mẹ bảo: “Không sao đâu, vậy là nó thương con đó”... Cho đến khi không nghe tiếng con la nữa cả nhà mở cửa phòng thấy rắn đã nuốt trọn cô gái vào bụng. Gia đình xấu hổ quá bèn khuân rắn ra bờ sông Mê kông mổ bụng cứu con. Cô gái bị chất nhờn của rắn trơn tuột xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy và hóa thành cá heo và sống ở đó.

Chúng tôi xuống thuyền, thuyền nổ máy chạy đến chỗ nước sâu nơi cá heo sống. Những chỗ này sâu ít nhất khoảng 18 - 20, theo người địa phương. Sau khi thuyền chạy một đoạn, người lái phải tắt máy và bắt đầu chèo nhè nhẹ để tránh gây tiếng động. Phải rất kiên nhẫn khi đi xem cá heo như thế này vì chúng không nhảy lên khỏi mặt nước nô đùa như cá heo đại dương, và cũng khó nhận ra chúng vì màu da cũng gần như màu nước sông. Chúng tôi ngồi chờ khá lâu mà không thấy chúng xuất hiện. Nhiều du khách trên các thuyền khác cũng kiên nhẫn chờ xem và chụp ảnh cá nhưng cũng không thấy. Lúc đó, không ai chụp được tấm ảnh cá heo sông nào, dù trên mạng đã có một số ảnh độ phân giải rất thấp.

Kratié (Campuchia)Khách du lịch thuê thuyền ngắm cá heo ở Kratié

Đáng tiếc một điều là ở Kampie không thấy bán tấm bưu ảnh nào về cá heo Irrawaddy cả. Khách du lịch sẽ lấy gì làm bằng chứng là họ đã đến nơi cá heo sống ở nước ngọt?

Theo các nhà khoa học, cá heo sông Mê Kông nuôi con bằng sữa mẹ, thời gian mang thai cả năm, mỗi lần sinh chỉ một con vì vậy số lượng cá heo nước ngọt hằng năm tăng rất ít, lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường sống, chất lượng nước sông cũng như mực nước thay đổi theo hướng bất lợi cho chúng. Trong bối cảnh đó, chính phủ Campuchia đã và đang đẩy mạnh công tác bảo tồn và tăng số lượng đàn cá heo nước ngọt nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa.


Bài và ảnh: Tường Thụy
Ý kiến của bạn