Kon Tum sẽ loại trừ bệnh phong vào năm 2015

23-05-2013 11:23 | Tin nóng y tế
google news

Kinh tế, xã hội nghèo nàn, dân trí thấp, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn... là những trở ngại lớn trong công tác phòng chống phong ở Kon Tum. Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế, Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống phong, đặc biệt là sự nỗ lực, nhiệt tình và tâm huyết của đội ngũ làm công tác phòng chống phong nên Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiến tới loại trừ bệnh phong vào cuối năm 2015.

Kinh tế, xã hội nghèo nàn, dân trí thấp, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn... là những trở ngại lớn trong công tác phòng chống phong ở Kon Tum. Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế, Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống phong, đặc biệt là sự nỗ lực, nhiệt tình và tâm huyết của đội ngũ làm công tác phòng chống phong nên Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiến tới loại trừ bệnh phong vào cuối năm 2015.

Nhiều khó khăn và thách thức

Kon Tum là một tỉnh thuộc Tây Nguyên có nhiều đồng bào dân tộc (22 dân tộc cùng sinh sống) trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 54%, giao thông đi lại rất khó khăn, bệnh nhân phong chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa nên công tác phòng chống phong gặp rất nhiều trở ngại. Mạng lưới chuyên khoa mỏng và yếu lại kiêm nhiệm nhiều công việc. Khu điều trị phong Đắk Kia có 30 giường điều trị và 80 giường trại viên nhưng chỉ có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 7 điều dưỡng và 1 hộ lý. Mỗi trung tâm y tế huyện, thành phố có một cán bộ chuyên trách phòng chống phong hầu hết là y sĩ, chỉ có 2/9 cán bộ đã được đào tạo định hướng chuyên khoa da liễu, còn lại chỉ mới được tập huấn ngắn hạn hằng năm và đều kiêm nhiệm nhiều chương trình. Tình hình dịch tễ bệnh phong ở đây không ổn định. Do quá nghèo nên công tác tự phòng ngừa và chăm sóc tàn tật của bệnh nhân không tốt làm hiệu quả phòng chống tàn tật chưa cao.

Kon Tum sẽ loại trừ bệnh phong vào năm 2015 1PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến BV Da liễu TW (người đứng bên phải) khám cho bệnh nhân phong tại Khu điều trị phong Đắk Kia, Kon Tum.

Những kết quả đáng khích lệ

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng người dân đã bước đầu có ý thức về bệnh phong, tự giác đến cơ sở y tế khi thấy bất thường; đặc biệt đội ngũ làm công tác phòng chống phong nhiệt tình, tâm huyết nên trong giai đoạn 2006 - 2012, Kon Tum đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: tỷ lệ lưu hành (TLLH) và tỷ lệ phát hiện (TLPH) bệnh nhân phong giảm nhiều: TLLH năm 2006 là 0,49 xuống 0,26 năm 2012; TLPH năm 2006 là 8,1/100.000 dân xuống 2,6/100.000 dân; tỷ lệ bệnh nhân trẻ em giảm nhiều 26% năm 2006 xuống 8,33% năm 2012; số người đến khám, được điều trị lỗ đáo, phẫu thuật chỉnh hình, chăm sóc tàn tật tăng.

Giải pháp để tiến tới loại trừ bệnh phong

Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong, tỉnh Kon Tum đã đặt ra các giải pháp: đưa công tác chống phong vào Nghị quyết các kỳ họp thường niên của Hội đồng nhân dân; đưa kiến thức cơ bản về bệnh phong vào học đường; củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống phong các cấp; tập huấn cho cộng tác viên và già làng trưởng bản về nhận biết bệnh phong, quản lý điều trị, giáo dục y tế và chăm sóc tàn tật cho người bệnh tại nhà; phấn đấu 100% cán bộ, chính quyền các ban ngành cơ sở, giáo viên, học sinh có hiểu biết cơ bản về bệnh phong; tập trung  khám phát hiện, điều trị tại nhà đúng phác đồ, đủ liều cho tất cả bệnh nhân phong mới, điều trị bằng phác đồ ROM (rifampicin, ofloxacin, minocylin) cho người tiếp xúc bệnh nhân phong MB có test ELISA dương tính.

BS. Hồ Bộ

(Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum)


* Mục tiêu của chiến lược phòng chống bệnh phong quốc gia giai đoạn 2011 - 2015:

100% các tỉnh/thành phố đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong; 50% các huyện/thị/thành đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong; 100% bệnh nhân bị tàn tật được phục hồi chức năng và phòng chống tàn tật.

* Mục tiêu của Kon Tum phấn đấu loại trừ bệnh phong vào năm 2015:

- Hạ thấp và duy trì TLLH bệnh phong toàn tỉnh xuống dưới 0,2/10.000 dân vào năm 2013.

- Hạ thấp TLPH bệnh phong xuống dưới 1/100.000 dân vào năm 2015.

- Hạ thấp tỷ lệ tàn tật độ II ở bệnh nhân phong mới xuống dưới 15% liên tục các năm (bắt đầu từ năm 2013).

- Ðưa kiến thức cơ bản về bệnh phong vào học đường.


Ý kiến của bạn