Đêm ở P'Rao, nghe cô phát thanh viên truyền hình hồ hởi thông báo tin vui: Sau một thời gian dài khô hạn, những cơn mưa đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ở Tây Nguyên! Chúng tôi, tất cả cùng chợt im lặng nhìn nhau. Vâng, Tây Nguyên, mảnh đất hào phóng mà ai cũng mong mỏi có mặt đang là những ngày tiếp theo...
Nhà thờ gỗ Kon Tum. |
Từ huyện Phước Sơn của Quảng Nam lên tới Đăk Glei phải vượt qua dãy Ngọc Linh bằng một con đèo mà người ta vẫn gọi là đèo Lò Xo bởi độ dài và những khúc cua gấp liên tục. Đã có nhiều lời đồn đại về con đèo này; nào là đèo Lò Xo chỉ làm riêng cho một chiều xe đi xuống, nào là gió trên đèo Lò Xo không giống ở bất cứ đâu, mê hoặc như từ một cõi nào thổi về vậy... Gần đây nhất là vụ chiếc xe chở các cựu chiến binh của Hà Nội trên đường về thăm lại chiến trường xưa bị tai nạn trên con đèo này, làm xôn xao dư luận trong cả nước, đã khiến cho chúng tôi trước khi vượt đèo chợt gợn chút đắn đo, dè dặt. Người dân ở thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) thì bảo: "Đường như thế mà đổ xe thì thật lạ. Chỉ có thể là người không quen đường..."
Và sự thật là như vậy. Đèo Lò Xo không giống như người ta đồn đại. Độ dốc không cao lắm, nhưng dài khủng khiếp, khoảng 40km. Do là con đèo tiếp giáp giữa hai vùng địa hình khác nhau, nên tính từ phía Bắc vào, dốc lên nhiều hơn dốc xuống, hầu như không có mấy đoạn xe chạy được hết số. Bò số thấp mãi đến sốt ruột, nên khi có đoạn được thả dốc, nhiều người chủ quan, để xảy ra tai nạn là bởi lý do đó... Chỉ có cái gió thì đúng là thật lạ; lồng lộng, ngang tàng, hào phóng, nhưng cũng rất đa tình...
* * *
Kon Tum đón chúng tôi bằng một cơn giông đầu mùa, rối rít và mù mịt. Nhưng cũng chỉ là giông thôi. Tây Nguyên vẫn đang khát. Trận hạn hán kéo dài cả gần năm nay đang khiến cho Tây Nguyên và nhiều tỉnh khác khô đến tận cùng. Cả vùng nguyên liệu giấy hơn 17.000 ha của Kon Tum nằm trong dự án nhà máy giấy lớn nhất Tây Nguyên cũng đang khát. Khát nước, khát vốn...
Một điều muốn nói thêm ở Kon Tum là trừ tỉnh Đăk Nông mới được tách ra từ mấy năm nay, thì Kon Tum là tỉnh có diện tích nhỏ nhất ở Tây Nguyên, nhưng lại là tỉnh có "mật độ" nhà tù vào loại lớn nhất cả nước thời Pháp. Hai nhà tù là ngục Đăk Glei và ngục Kon Tum. Cả hai nhà ngục này nay đều đã trở thành di tích, nhưng một nguyên lý cơ bản của những tên đế quốc xưa: ngục là nơi đầy ải, nên thường đặt ở những nơi "thâm sơn cùng cốc". Nhắc lại điều này cũng là để có một liên tưởng về Kon Tum hôm nay theo một chiều kích khác, chiều kích của lịch sử...
Là một khu vực có địa thế cao, lại án ngữ gần như tại trung tâm của bán đảo Đông Dương. Chính vì vậy mà trong chiến tranh, Tây Nguyên luôn luôn được cả hai phía ta và địch coi là vị trí chiến lược quan trọng. Điều này chính là lý do khiến cho hệ thống đường xá ở Tây Nguyên cho đến nay vẫn được coi là hiện đại và có mật độ cao nhất trong cả nước. Chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, ngoài Quốc lộ 14 nối các trung tâm hành chính của 4 tỉnh: Kon Tum, Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Gia Nghĩa (Đăk Nông), về tới điểm cuối cùng là thị trấn Chơn Thành của huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước; và con đường 14C (đường mòn Hồ Chí Minh cũ) chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, từ Ngọc Hồi (Kon Tum) đến tận Đăk Nông; còn có 2 con đường: Quốc lộ 27 nối Buôn Ma Thuột với Đức Trọng (Lâm Đồng) rồi từ đó rẽ ngang qua Ninh Thuận, và Quốc lộ 28 chạy từ Gia Nghĩa qua Di Linh về tới Bình Thuận. Những con đường chạy ngang nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng ven biển gồm có: Quốc lộ 24 (Kon Tum - Quảng Ngãi), Quốc lộ 19 (Pleiku - Bình Định), Quốc lộ 25 (Chư Sê - Phú Yên), Quốc lộ 26 (Buôn Ma Thuột - Khánh Hoà), Quốc lộ 20 (Đà Lạt - Bảo Lộc - Đồng Nai), tổng cộng trên dưới 3.000 km. Đó là chưa kể đến một hệ thống dày đặc những con đường liên tỉnh, liên huyện, đường nội thị... mà chất lượng cũng không kém gì đường quốc lộ. Những con đường đẹp, sạch và phẳng lì đến nỗi một viên đá nhỏ rơi trên mặt đường cũng khiến người ta bứt rứt như nhìn thấy một vết bụi nơi má người yêu vậy... Đất rộng, người thưa, xe cộ ít nên chạy xe trên Tây Nguyên vô cùng thanh thản và thú vị. Thậm chí có những đoạn chỉ muốn bỏ xe, cởi giày chạy chân đất trên đường cho đã. Quang cảnh Tây Nguyên cũng vô cùng hào phóng, với những dải bình nguyên rực lên một màu đất đỏ bazan trải hết tầm mắt, quyến rũ đến nao lòng...
Lên tới Kon Tum mới quá trưa, song chúng tôi vẫn quyết định dừng chân ngay tại Ngọc Hồi, huyện tiếp giáp với Đăk Glei, huyện cực Bắc của Tây Nguyên theo đường 14, bởi một lý do: Đây là huyện có cửa khẩu Bờ Y nằm ngay ngã ba Đông Dương. Trên toàn tuyến biên giới của ta suốt từ Bắc vào Nam, chỉ có 2 nơi đường biên giới hợp lại thành ngã ba là A Pa Chải thuộc huyện Mường Tè - Lai Châu và Bờ Y ở Ngọc Hồi này. Hình ảnh một nơi mà tiếng gà gáy cả 3 nước cùng nghe quả là có sức cuốn hút ghê gớm. Trên bản đồ, đó chỉ là một dấu chấm nhỏ, nhưng trên thực tế, các chiến sĩ biên phòng khoát tay chỉ cho chúng tôi cả một khoảng rừng...
Cửa khẩu Bờ Y mới được xây dựng lại cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn của một cửa khẩu quốc tế và một khu vực thương mại cửa khẩu trên địa phận xã Bờ Y hiện đã bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên để biến nơi đây thành một trung tâm thương mại phát triển thì vẫn còn phải chờ đợi. Đơn giản là vì chưa có những đối tác thích ứng từ phía bạn. Ở khu vực này, phía bên Lào và đặc biệt là Campuchia, dân cư còn thưa thớt lắm. Việc Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng một cửa khẩu quốc tế đi kèm với khu vực thương mại ở ngã ba Đông Dương, về lâu dài có thể là một bước khuyến khích đối với nước bạn, nhưng trước mắt vẫn chỉ là nơi để mọi người tìm đến tham quan. Cũng không có gì quá ngạc nhiên khi một trong số 2 đoàn khách mà chúng tôi gặp ở cửa khẩu hôm đó lại là người... Lào. Họ đi từ phía Ngọc Hồi lên và sau đó lại trở về theo hướng đó... Sự khao khát của những cán bộ hải quan và các chiến sĩ biên phòng nơi cửa khẩu này về một hình ảnh tấp nập, nhộn nhịp của những hoạt động nơi đây là điều ghi nhận đầu tiên về những cơn khát Kon Tum...
* * *
Thị trấn Plei Kần là nơi đường 14 rẽ sang hướng Đông để tới huyện Đăk Tô, chiến trường ác liệt nhất Tây Nguyên những năm 1969 - 1972; cũng là nơi bắt đầu con đường 14C chạy tiếp hướng Nam qua Sa Thầy. Hiện tại con đường 14C này chưa được nâng cấp, vẫn nguyên là con đường đất đỏ lầm bụi từ hồi chiến tranh, rất ít người sử dụng, nhất là vào mùa mưa như thế này. Thế nhưng chính vì vậy mà nó lại hoá ra hấp dẫn.
Kon Tum với những con đường sạch sẽ và thoáng đãng. |
Đường 14C được xây dựng từ những năm 1968 để phục vụ hậu cần cho chiến trường Tây Nguyên, nay sau nhiều năm không sử dụng, nhiều đoạn đã bị hư hại nặng. Tuy nhiên chính vì vậy mà một chút vẻ đẹp hoang dại của Tây Nguyên song hành bên cạnh con đường, dọc theo sông Sa Thầy dần dần hiện ra, đẹp đến sửng sốt và cũng rất nao lòng. Những rừng khộp vàng rực (mà bây giờ đã trở nên khá hiếm hoi), đặc Tây Nguyên kéo dài chưa đầy cây số thì chuyển sang khu vực rừng thông non chừng vài ba tuổi, đang dần phủ kín những vạt đồi xa từng là chiến trường ác liệt, tiến gần vào khu vực khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mon Ray.
* * *
Con sông Sa Thầy bắt nguồn từ những Đăk (nguồn nước) chằng chịt chảy từ Đăk Glei, Đăk Tô, qua Ngọc Hồi và khu vực phía Bắc huyện Sa Thầy để nhập vào sông Sê San ở phía Nam, con sông được hình thành nên từ dòng Pơ Kô huyền thoại, bắt đầu từ những con suối chảy trên đỉnh Ngọc Linh, qua thị xã Kon Tum "kết duyên" với sông Đăk Bla để làm nên dòng Pơ Lam với thác Yaly kì vĩ, nguồn năng lượng của công trình thủy điện lớn vào loại nhất nhì nước ta cho đến thời điểm hiện nay. Nam huyện Sa Thầy trở thành vùng lòng hồ của nhà máy thủy điện này, nên con đường tới đó bị gián đoạn (đối với phương tiện xe máy). Chúng tôi rẽ sang con đường có kí hiệu 674 trên bản đồ, chạy về hướng Đông tới thị trấn Sa Thầy, từ đó tiếp sang đường 675 về thị xã Kon Tum. Đây là chặng đường ấn tượng nhất, Tây Nguyên nhất, Trường Sơn nhất từ đầu cuộc hành trình cho đến nay. Hơn 70km là chiều dài trên lý thuyết, nhưng với con đường thì không thể tính bằng phép toán trên cơ sở hình học phẳng. Một bữa rượu cần không định trước nhưng nồng nhiệt, hồ hởi nhân lễ mừng nhà mới của đồng bào dân tộc ở bản Đăk Đê, xã Rơ Kơi (Sa Thầy) đã khiến chúng tôi ngây ngất tới tận thị xã Kon Tum.
Lấy vợ đến khi chết; uống rượu đến khi nhạt; đánh chiêng đến khi người già bắt tay (hết hội, không cho đánh nữa) mới thôi. Người Tây Nguyên là thế. Hơn 200 ghè rượu cho một ngày vui đâu phải chuyện đùa. Ừ thì có thể cảm thông cho khách còn phải đi xa, nhưng khách đã có tình ghé qua làng, mà con đường này người lại qua ít lắm, thì làm sao không nếm thử mỗi ghè một căn cho vừa lòng chủ... Dù không một lời hẹn hò tái ngộ, nhưng vẫn thấy thêm một chút gì để nhớ, để yêu..
Ngọc Lương