Hà Nội

Kon Tum lại xảy ra động đất, Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân cách ứng phó

04-08-2024 12:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước diễn biến mỗi ngày xảy ra hàng chục trận động đất tại Kon Tum, Viện Vật lý Địa cầu đã cử đoàn công tác hướng dẫn người dân các cách ứng phó với động đất dành cho đặc thù ở khu vực miền núi Kon Plông.

Những nguyên tắc cần nhớ để an toàn khi có động đấtNhững nguyên tắc cần nhớ để an toàn khi có động đất

SKĐS - Trước, trong và sau khi xảy ra động đất đều cần có các kỹ năng an toàn cơ bản để phòng ngừa rủi ro, giữ an toàn tính mạng cũng như tài sản để vượt qua những dư chấn có thể xuất hiện.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó vào lúc 6 giờ 6 phút 22 giây sáng ngày 4/8, một trận động đất có độ lớn 2.9 đã xảy ra tại khu vực huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Tu Mơ Rông là huyện giáp ranh với Kon Plông, nơi liên tiếp xảy ra các trận động đất gây rung lắc thời gian qua.

Đáng nói là hôm qua (3/8), tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra liên tiếp 8 trận động đất. Như vậy chỉ tính từ ngày 31/7 đến hôm nay, Kon Tum đã hứng chịu đến 30 trận động đất có cường độ nhỏ đến trung bình. Động đất liên tiếp tuy chưa gây thiệt hại gì lớn song khiến người dân khu vực huyện Kon Plông và các tỉnh lân cận rất hoang mang.

Kon Tum lại xảy ra động đất, Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân cách ứng phó- Ảnh 2.

Cán bộ Viện Vật lý Địa cầu tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó động đất cho người dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), đoàn công tác của Viện đã có mặt tại huyện Kon Plông, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn, nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra.

Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kỹ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng.

4 chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu và 1 cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã có mặt tại tâm chấn để khảo sát tình hình. Đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đã đi vào các buôn làng tại xã Đăk Tăng và xã Măng Bút, gần khu vực xảy ra động đất để phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn.

Đồng thời, trực tiếp trao đổi cho người dân các giải pháp phòng tránh động đất, cách ứng phó với các tình huống cụ thể để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Từ nay đến ngày mai (5/8), đoàn sẽ tiếp tục đến các thôn làng tuyên truyền cho người dân trong vùng động đất để ổn định tâm lý, đời sống bà con.

TS Bùi Thị Nhung, thành viên đoàn công tác cho biết có một số tài liệu hướng dẫn xây dựng cho khu vực đô thị, nên một số tình huống cụ thể không phù hợp với đồng bào miền núi. Bởi vậy, đoàn đi sâu vào các tình huống cụ thể tại địa phương bà con vùng núi hay gặp phải để mổ xẻ, giải đáp từng tình huống. Ví dụ khi có động đất, nếu người dân đang trên rẫy cần tránh những sườn núi dốc, khi đang nấu ăn thì cần dập lửa trước khi rời khỏi nhà...

Sau chuyến công tác, các cán bộ Viện Vật lý Địa cầu sẽ viết các tài liệu hướng dẫn phù hợp với tình hình tại địa phương. Cùng đó, đoàn chuyên gia cũng làm khảo sát, đến phỏng vấn các gia đình và quan sát tác động của động đất tới công trình. Từ đó tổng hợp thông tin và vẽ sơ đồ đánh giá tác động động đất. Sau khi tổng hợp sẽ có báo cáo và đưa ra khuyến cáo cho địa phương.

Trước đây, khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định so với nhiều khu vực trên cả nước, ít ghi nhận hoạt động động đất. Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất kích thích đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra khoảng 170 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ tại Kon Tum.

Các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.

Động đất liên tục tác động đến môi trường thế nào?Động đất liên tục tác động đến môi trường thế nào?

SKĐS - Động đất gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa long nền đất gây lún, nghiêng công trình, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi, thậm chí làm suy giảm nước ngầm, giếng khoan bỗng đục như bùn loãng...



Tô Hội
Ý kiến của bạn