Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó vào hồi 21 giờ 49 phút 44 giây (giờ GMT) ngày 04 tháng 4 năm 2023 tức 04 giờ 49 phút 44 giây (giờ Hà Nội) ngày 05 tháng 4 năm 2023 một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.882 độ vĩ Bắc, 108.274 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó các ngày từ 28/3-2/4, các trận động đất liên tiếp xảy ra ở đây có độ lớn từ 2.6 đến 3.4 nối tiếp chuỗi hàng trăm trận động đất từ đầu năm đến nay. Đây là số trận động đất nhiều nhất xảy ra trong thời gian ngắn nhất tại đây. Nhiều ngày nay, chị Y Dương (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) không khỏi lo lắng khi mỗi ngày chị đều cảm nhận được sự rung chấn của động đất.
Tuy cường độ, tần suất không mạnh nhưng chị Y Dương vẫn lo lắng khi thấy trên báo đài đưa tin về thiệt hại thảm khốc do trận động đất kinh hoàng trên thế giới gây nên. Đây cũng là tâm lý chung của những người dân tại Kon Plông, địa phương được xác định là tâm điểm của các trận động đất liên tiếp trong 2 năm trở lại đây. Gần 2 năm nay, chị Dương cùng bà con luôn cảm nhận được sự rung chấn. Những trận lớn, đồ đạc trong nhà cũng rung lắc, gia đình lo sợ phải chạy ra ngoài sân. Khi được tập huấn kiến thức về phòng, chống thiên tai, động đất, gia đình cũng an tâm hơn.
Trước đó, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, động đất ở Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động của hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến hoạt động động đất xảy ra sớm hơn. Các chuyên gia cảnh báo, động đất kích thích có thể kéo dài ở khu vực này, liên quan chặt chẽ đến hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện.
Theo Viện Vật lý Địa cầu, trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Các trận động đất tại khu vực này chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người. Tuy nhiên, các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, Viện Vật lý Địa cầu cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 5/4: Giám Đốc Trung Quốc Đang Bị Tạm Giữ, Sẽ Khởi Tố Bị Can Theo Pháp Luật Việt Nam | SKĐS