Có 3 bệnh nhân mắc mới nhất là vào những ngày cuối tháng 6, sức khỏe của những người này vẫn tốt và được theo dõi chặt chẽ. Sở Y tế Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các hoạt động khống chế ổ dịch và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.
Tiêm vắc xin phòng bạch hầu ở Kon Tum (ảnh Sở Y tế Kon Tum)
Trước diễn biến của dịch bệnh bạch hầu, ông Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho rằng: Tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; Rà soát, đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng tại các xã có ổ dịch; Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn...
Bên cạnh đó, ngành y tế Kon Tum sẽ lập kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Td (uốn ván- bạch hầu) cho các xã có ổ dịch và các xã có nguy cơ cao để tạo miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh bạch hầu hiệu quả hơn.
Để hạn chế tác hại từ dịch bệnh đến sức khỏe, Sở Y tế Kon Tum cũng khuyến cáo người dân phải đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPTVGB-Hib và DPT4 đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.