Kon Tum: Đơn nguyên Sơ sinh cứu sống nhiều trẻ "bé tẹo" chỉ 7-8 lạng nguy kịch

15-11-2019 10:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BS. Lâm Thị Minh Nguyệt – Trưởng khoa Nhi, Phụ trách Đơn nguyên Sơ sinh tại BVĐK tỉnh Kon Tum cho biết, Đơn nguyên Sơ sinh của BV đã giúp cứu sống nhiều trẻ sơ sinh non tháng ngay tại cơ sở mà không phải chuyển tuyến đến BV Nhi đồng 1, 2 (TP.HCM), BV Sản Nhi Đà Nẵng… cách xa hàng trăm cây số. Đặc biệt có những trường hợp trẻ sinh non chỉ nặng 7-8gram mắc bệnh lý cũng đã được các bác sĩ cứu sống một cách ngoạn mục.

Theo các chuyên gia y tế, Đơn nguyên Sơ sinh có ý nghĩa quan trọng trong cấp cứu, điều trị ban đầu những trẻ có bệnh lý sơ sinh, là một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở các cơ sở y tế.

Tại BVĐK tỉnh Kon Tum, tuy là địa bàn miền núi nhưng đã rất quan tâm, chú trọng phát triển Đơn nguyên Sơ sinh và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015. Từ đó đến nay, Đơn nguyên Sơ sinh đã được đầu tư nhiều trang thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ nhân viên y tế, cử y bác sĩ đi đào tạo liên tục tại BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 để nâng cao tay nghề và cập nhật các kiến thức y khoa… Chính vì vậy, BS. Lâm Thị Minh Nguyệt chia sẻ, đã có nhiều thay đổi đáng phấn khởi trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân có các bệnh lý nguy hiểm.

Mới đây, các bác sĩ tiếp nhận cấp cứu trường hợp sản phụ Y.B.N (cách bệnh viện 120km) nhập viện trong đêm do sốc, choáng sau bỏng, đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Lúc này thai nhi mới 30 tuần tuổi, tiên lượng của mẹ rất nguy kịch. Bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai để hi vọng cứu được con. Khi trẻ được mổ ra chỉ nặng khoảng 1,3kg, trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, tím tái... Các bác sĩ phải đặt nội khí quản cho trẻ, tiến hành cho bé thở máy, truyền nước, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, truyền kháng sinh, truyền máu, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch... song tiên lượng của trẻ vẫn rất xấu.

Sau gần một tháng kiên trì chiến đấu với “tử thần” để giành giật sự sống cho bé, các y bác sĩ của Đơn nguyên Sơ sinh đã cứu sống trẻ thành công, chăm sóc bé dần cứng cáp và bàn giao cho người nhà bé chăm sóc. Các bác sĩ cho biết, do mẹ bé đã qua đời nên ngoài việc điều trị cho trẻ, nhân viên y tế của Đơn nguyên Sơ sinh lại phải đi xin sữa của các mẹ khác trong viện để cho con ăn, vừa xin tài trợ từ thiện để giúp bé quần áo, bỉm tã...

Chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân mắc bệnh lý sơ sinh tại Đơn nguyên Sơ sinh, BVĐK tỉnh Kon Tum.

Theo BS. Nguyệt, trước đây, với những trường hợp mắc bệnh lý sơ sinh nặng như vậy thì đều phải chuyển tuyến. Tuy nhiên, đường sá vận chuyển xa xôi cách xa hàng trăm km gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ, trẻ có nguy cơ tử vong trên đường chuyển tuyến. Do đó, việc thiết lập Đơn nguyên Sơ sinh tại BV đã giúp trẻ tránh được rủi ro này. Rất nhiều trẻ đã được chăm sóc tỉ mỉ và điều trị tại chỗ giúp tăng cơ hội sống sót.

Với trẻ sơ sinh đẻ non, nhẹ cân thường mắc các bệnh lý chủ yếu là Hội chứng suy hô hấp nặng, Nhiễm khuẩn, Dị tật bẩm sinh, Vàng da, Bệnh chuyển hóa,... Có những ca bệnh ở dạng bệnh lý phối hợp của nhiều bệnh nên việc điều trị là vô cùng khó khăn.

Trường hợp nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh được các y bác sĩ của Đơn nguyên Sơ sinh, BVĐK tỉnh Kon Tum cứu sống. Từ khi thành lập Đơn nguyên Sơ sinh đến nay đã giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bệnh lý, tỉ lệ chuyển bệnh nhi lên tuyến trên ngày càng ít đi. Thậm chí, Đơn nguyên đã cứu sống và nuôi dưỡng thành công các bé rất nhỏ, chỉ nặng 7-8 lạng - đây là điều mà trước đây không thể làm được.

Giảm lượng sơ sinh bệnh lý phải chuyển tuyến

Theo Bộ Y tế, Đơn nguyên Sơ sinh tại BVĐK tỉnh là một đơn vị của khoa Nhi do các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nhi chịu trách nhiệm. Việc thiết lập Đơn nguyên Sơ sinh tại các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện đem lại lợi ích tích cực cho ngành y tế và cho sức khỏe người dân, người dân được cải thiện sức khoẻ, giảm tử vong và tai biến sơ sinh, trẻ được chăm sóc thiết yếu, hồi sức sơ sinh, điều trị các bệnh lý sơ sinh... Từ đó tạo nên sự hài lòng và tin tưởng cho người dân khi đưa con đi khám chữa bệnh.

BS. Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, đối với can thiệp chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý, Bộ Y tế đã triển khai can thiệp này từ năm 2008 và đã đạt được những thành công nhất định. Đến nay, đã triển khai được khoảng 40 Đơn nguyên Sơ sinh tại tuyến huyện, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho các cán bộ y tế tuyến huyện, giảm lượng sơ sinh bệnh lý phải chuyển lên tuyến tỉnh.

Tại Kon Tum, theo Phó Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn, ngành y tế tỉnh đã rất chú trọng triển khai Đơn nguyên sơ sinh tại BV tuyến huyện, đặc biệt là Đơn nguyên sơ sinh tại BVĐK tỉnh Kon Tum được thiết lập từ hơn 10 năm nay hoạt động rất hiệu quả. Điều này giảm đáng kể tỉ lệ sơ sinh nhẹ cân, non tháng phải chuyển lên tuyến trên, đồng thời hạn chế các trường hợp tử vong sơ sinh ở địa phương do quá trình vận chuyển lên tuyến trên.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc thiết lập Đơn nguyên Sơ sinh tại bệnh viện tuyến cơ sở để có thể chăm sóc và điều trị tại chỗ là nhu cầu rất cần thiết. Thực tế cho thấy, đa số các Đơn nguyên Sơ sinh đã phát huy được hiệu quả trong việc chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý, góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ suất tử vong sơ sinh và hạn chế tính trạng sơ sinh bệnh lý phải chuyển lên tuyến trên. Đồng thời giúp địa phương làm tốt công tác chăm sóc cho trẻ sơ sinh tại chỗ, tăng tính tiếp cận chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh tại địa phương.


Dương Hải
Ý kiến của bạn