Hà Nội

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu

20-09-2023 10:33 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Hồi tháng 3/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, bước đầu đã hình thành các vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông; Công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu được chú trọng; đã xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu; Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm dược liệu được quan tâm thực hiện. Một số sản phẩm từ dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được thị trường đón nhận. Việc phát triển dược liệu đã góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa hình thành được mối liên kết giữa vùng nguyên liệu tập trung với cơ sở sản xuất, chế biến quy mô lớn; Công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong việc phát triển dược liệu thiếu chặt chẽ; chỉ tiêu về phát triển dược liệu hàng năm đạt được mục tiêu đề ra nhưng tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu - Ảnh 1.

Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: VGP.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định công tác đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần sự quyết tâm cao độ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương châm"Kế hoạch một, giải pháp mười, quyết tâm chính trị hai mươi" để đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Chỉ đạo UBND các xã và các tổ chức trên địa bàn chuẩn bị tốt đất đai, giống, phân bón và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện chỉ tiêu trồng dược liệu; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống sâu bệnh hại, đảm bảo trồng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên (khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng) lựa chọn loài dược liệu thích hợp để khuyến cáo người dân trên địa bàn tham gia trồng. Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dược liệu; tham gia các hợp tác xã sản xuất, chế biến dược liệu, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để trồng dược liệu tập trung.

Thúc đẩy hoạt động thương mại tìm kiếm thị trường tiềm năng cho sản phẩm đầu ra của cây dược liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả trồng dược liệu hàng năm trên địa bàn.

UBND tỉnh Kon Tum giao Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu về phát triển dược liệu; rà soát, phát hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dược liệu, gắn với tổ chức tập huấn để các địa phương và người dân biết phòng trừ sâu bệnh; thường xuyên rà soát, đôn đốc, cập nhật báo cáo cấp thẩm quyền theo dõi, kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc; phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra. Kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, cung ứng giống Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện sớm, khống chế, dập tắt và ngăn ngừa sâu bệnh hại phát sinh trên cây Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu khác.

Phối hợp Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, UBND các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai quản lý chất lượng giống Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu khác. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn (khi đủ điều kiện).

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn, giám sát chặt chẽ các dự án giao rừng, cho thuê rừng để đầu tư phát triển dược liệu...

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừngNhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

SKĐS - Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã triển khai mô hình trồng dược liệu quý dưới tán rừng đạt hiệu quả cao, đặc biệt tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn