Chương trình K=K tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ, với rất nhiều các hoạt động khác nhau, có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế Việt Nam, CDC Hoa kỳ tại Việt Nam cũng như sự tham gia của các tổ chức cộng đồng
Tại Việt Nam, Chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền" đã triển khai rộng rãi trong toàn quốc. Hiện nay hơn 163.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Trong số đó có khoảng 95% có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng.
1. Bằng chứng của K=K
Cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS đã công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 9 về AIDS tại Paris tháng 7/2017, rằng một mức tải lượng virus HIV không phát hiện được, có nghĩa là HIV không còn khả năng lây truyền.
Người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Tùy thuộc vào loại thuốc điều trị có thể phải mất đến 6 tháng để đạt mức tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Việc đo tải lượng HIV cần được theo dõi định kỳ để bảo đảm lợi ích sức khỏe người bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Tuân thủ điều trị ARV sẽ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh mà không làm lây truyền HIv cho người khác.
Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện trên 1.763 cặp dị nhiễm HIV ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ (cặp dị nhiễm tức là 1 người nhiễm HIV còn 1 người không nhiễm HIV) trong thời gian từ năm 2005 đến 2015. Trong số này có tới 97% quan hệ tình dục khác giới. Báo cáo đánh giá cuối kỳ vào năm 2016 đã kết luận: Không có người nào bị lây nhiễm HIV khi bạn tình nhiễm HIV của họ có tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml máu và duy trì ổn định ở những người tham gia nghiên cứu.
Nghiên cứu thứ hai thực hiện trên 1.166 cặp dị nhiễm HIV ở 14 nước châu Âu và bắt đầu thực hiện năm 2010 ở cả các cặp quan hệ tình dục khác giới và đồng tính nam, tập trung nghiên cứu nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo và hậu môn mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) khi bạn tình nhiễm có tải lượng HIV <200 bản sao/ml máu. Đánh giá sơ bộ năm 2016 cho thấy không có trường hợp nào lây HIV từ bạn tình của họ trong 1.238 cặp bạn tình - năm với khoảng 58.000 lần quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su.
Nghiên cứu thứ ba được thực hiện trên 358 cặp dị nhiễm HIV ở Úc, Brazil và Thái Lan từ năm 2012 trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Kết quả phân tích cuối kỳ vào năm 2017 cho thấy, không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV từ bạn tình nhiễm HIV khi họ có tải lượng HIV <200 bản sao/ml và không dùng bao cao su hay PrEP. Điều này có nghĩa là khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính.
2. Ý nghĩa của K=K
Tuân thủ điều trị ARV sẽ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh mà không làm lây truyền HIV cho người khác.
K=K là viết tắt của thông điệp "Không phát hiện = Không lây truyền". Điều này có nghĩa rằng nếu người sống chung với HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không có nguy cơ lây truyền virus HIV sang bạn tình âm tính qua đường tình dục. Tải lượng virus là số lượng virus trong mẫu máu xét nghiệm của người sống chung với HIV. Nhìn chung, tải lượng virus càng cao, khả năng lây truyền HIV càng cao. Thuốc ARV có thể làm giảm tải lượng virus của người nhiễm xuống thấp đến mức không thể đếm được khi xét nghiệm.
TS.BS.Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, việc triển khai mạnh mẽ chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền" tại Việt Nam còn có ý nghĩa giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS khi mọi người nhận thức được rằng hiện nay một người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị và đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không chỉ tránh lây nhiễm HIV cho bạn tình mà còn giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài như những người không nhiễm HIV.
Tuy nhiên, cần lưu ý, K=K chỉ ngăn ngừa lây truyền HIV sang các bạn tình chứ không ngăn ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai... trong khi bao cao su có thể giúp ngăn ngừa lây truyền HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và ngăn ngừa việc có thai.
Do vậy, việc lựa chọn phương pháp dự phòng HIV có thể khác nhau tùy thuộc vào hành vi quan hệ tình dục, hoàn cảnh và các mối quan hệ của một người. Việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, hoặc dùng thuốc ARV theo đơn đã kê của thầy thuốc có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Việc điều trị ARV là quá trình cần công sức và thời gian, nhưng người nhiễm HIV hoàn toàn có thể có cuộc sống lành mạnh và chất lượng khi tuân thủ điều trị.
Việc điều trị HIV đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người có HIV và cũng làm tăng hiệu quả của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trong thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động của điều trị HIV trong dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục và kết quả này đã hỗ trợ cho chiến lược "điều trị là dự phòng".
Mới đây, tại phiên họp trước Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 24, được tổ chức tại Montreal, Canada (từ ngày 27/7/2022 đến 02/8/2022), Việt Nam được lựa chọn là quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về bài học thành công triển khai Chiến dịch "Không phát hiện bằng không lây truyền", tức K=K".
Tham dự phiên họp trực tiếp có hơn 500 đại biểu, ngoài ra còn có hàng ngàn đại biểu tham gia trực tuyến từ các quốc gia trên thế giới. Đại diện đoàn Việt Nam tham gia tại Hội nghị có TS.BS.Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Bà Asia Nguyen, Cố vấn cấp cao của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Phong, Đại diện cho mạng lưới những người sống chung với HIV... đã chia sẻ các bài học thành công triển khai chương trình K=K ở nước ta.
Các báo cáo viên của Việt Nam tham gia tọa đàm về chiến dịch K=K tại hội nghị.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh đậu mùa khỉ: Hiểu đúng về vaccine và thuốc điều trị