Hà Nội

Kinh tế xanh để phát triển bền vững

05-06-2012 09:32 | Xã hội
google news

Hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ TN - MT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lễ phát động chiến dịch bảo vệ môi trường.

(SKDS) – Hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ TN - MT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lễ phát động chiến dịch bảo vệ môi trường. Năm 2012 là năm thế giới kỷ niệm 40 năm Ngày Môi trường thế giới 5/6 (1972-2012) và 20 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển năng lượng bền vững Rio de Janeiro (1992).

Tới dự và phát biểu tại buỗi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác tác bảo vệ môi trường, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị, các tầng lớp trong xã hội, đồng thời, Việt Nam ngày càng đầu tư mạnh mẽ hơn cho vấn đề bảo vệ môi trường.
 
Về chủ đề kinh tế xanh của Ngày Môi trường năm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam đã tiếp cận với kinh tế xanh bằng những chương trình cụ thể, qua đó, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường...
 
Điều này thể hiện trong Dự thảo chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ KH - ĐT soạn thảo. Chiến lược nêu rõ: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực tiễn tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển KTXH phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
 
Tuy nhiên, để hướng tới sự phát triển này, Việt Nam phải khắc phục những hạn chế về trình độ phát triển, công nghệ sản xuất, trình độ phát triển khoa học cũng như thể chế pháp luật… Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) cũng cần thay đổi nhằm xóa bỏ thói quen cũ trong sản xuất và quản lý.

Theo các chuyên gia, đứng trước thời cơ mới, Việt Nam cần phát huy các lợi thế so sánh, khắc phục các yếu kém để phát triển đất nước. Phương thức tăng trưởng xanh là con đường tốt nhất để giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển trong thời gian tương đối ngắn nhờ sử dụng hiệu quả nội lực và toàn cầu hóa.   

            Trần Giữu - Anh Tuệ


Ý kiến của bạn