TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vẫn bày tỏ tin tưởng: TTCK sẽ tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới. Cơ sở của niềm tin này được đưa ra là kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và mạnh. "Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với TTCK. Mỗi khi kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là các ngành dịch công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tạo đà cho kinh tế phục hồi nhanh", TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.
TTCK đã phát triển khá "nóng" trong giai đoạn qua. Tuy nhiên, đây không phải diễn biến mới bởi chứng khoán thế giới và Việt Nam đều có những giai đoạn phát triển "nóng" như vậy bất chấp rủi ro.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, riêng với TTCK, làm "xanh sạch" thị trường lại là ưu tiên hàng đầu. Song, để "làm sạch" thị trường cũng là một bài toán không dễ. Đồng tình quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để làm được điều này, trước tiên phải xuất phát từ nhà đầu tư khi có sự thấu hiểu và thông tin nhất định. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt.
"Yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là tính minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành, trong tương lai số người tham gia TTCK sẽ nhiều hơn", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa chia sẻ. Nhắc lại kiến nghị cũ từ cách đây chục năm, ông Lê Xuân Nghĩa đề nghị chức năng của Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước phải là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không thuộc Bộ Tài chính. Bởi TTCK có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có tính an toàn nhất. Nếu UBCK độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng TTCK minh bạch, nhanh chóng.
Hiện số tài khoản cá nhân dù tính trên đầu người có khoảng 5% dân số có tài khoản chứng khoán nhưng xét về thực chất mới có khoảng 3% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán. Trong khi con số này tại một số nước trong khu vực như Thái Lan hay trên thế giới như Mỹ… cao hơn rất nhiều. Do đó, một số chuyên gia tài chính kiến nghị: Cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư song song với hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch định hướng phát triển.
"Hiện nay, chúng ta rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán. Trong khi ở Mỹ có 11 công ty, Nhật có 4 công ty chuyên làm nhiệm vụ này để bình ổn TTCK. Vì vậy Việt Nam cần một cơ chế bình ổn thị trường", TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), khi tăng lãi suất, giá vốn không còn rẻ thì TTCK sẽ giảm điểm. Đây là nguyên nhân chính của xu thế thị trường khi thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường. Việc cơ quan chức năng kiểm soát giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tập đoàn kinh tế tư nhân thời gian qua đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán. Nhưng mức giảm nhìn chung vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới. Từ đầu năm tới nay, VNIndex giảm 7%, Mỹ (SP500) giảm 6,4%, Hàn Quốc giảm 9%, Hang Seng giảm 9,7%, TQ giảm 16,5% ….
"Thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng 'nóng' ở đỉnh. Khi thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan. 'Qua cơn mưa trời lại sáng', việc lành mạnh hoá TTCK luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế", lãnh đạo SSI cho biết.
Ông Trần Hải Hà – Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) nhận định: Các động thái mạnh mẽ của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian qua nhằm tăng tính minh bạch cho TTCK và thị trường TPDN. Điều này sẽ tác động tích cực cho TTCK trong dài hạn, khi góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch và công bằng hơn cho các nhà đầu tư.
Mặc dù thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh bởi tâm lý nhà đầu tư rất thận trọng, nhưng nhiều chuyên gia đều cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố vĩ mô nền tảng và các yếu tố nội tại của thị trường.
Lãnh đạo MBS đánh giá các yếu tố nền tảng đang hỗ trợ tích cực TTCK Việt Nam hiện tại, bao gồm: Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục gia tăng. Thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 3/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 675.000 tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,9 triệu, xấp xỉ 5% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Xu hướng này phản ánh đầu tư chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư quan trọng bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống. Mức độ quan tâm của người dân đến kênh đầu tư này sẽ càng ngày càng tăng và TTCK sẽ phản ánh đúng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Triển vọng phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2022 là rất rõ sau giai đoạn chịu áp lực cao do COVID-19. Tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt mức 5,03% cải thiện mạnh so với cùng kỳ. Các cân đối vĩ mô khác cơ bản được giữ vững với tỷ giá VND/USD ổn định, lạm phát được kìm chế và cán cân thanh toán thặng dư. Các yếu tố trên đảm bảo một môi trường đầu tư tươi sáng và ổn định với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khả quan.
TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh cả về khối lượng cổ phiếu niêm yết, mức độ vốn hóa và khối lượng giao dịch. Tính đến cuối năm 2021, TTCK đã đạt được các thành quả ấn tượng trên các phương diện nói trên. Vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng mạnh đạt 7,7 triệu tỷ VNĐ và tương đương 123% GDP năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân đạt mức 26,5 nghìn tỷ cổ phiếu/phiên, tăng 256% so với năm trước.
"Chúng tôi đánh giá giao dịch của khối ngoại đã có tín hiệu tích cực hơn trong các tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn duy trì bán ròng. TTCK Việt Nam đang có những nền tảng tốt để thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại, bao gồm: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định với đà tăng trưởng phục hồi và các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán đều đang được kiểm soát tốt. Điều này, tạo ra một môi trường đầu tư ổn định hấp dẫn các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng", ông Trần Hải Hà cho biết.
Mức định giá của TTCK Việt Nam đang ở mức hấp dẫn khi P/E trung bình hiện tại trên sàn HoSE ở mức 16,3 lần, thấp hơn mức trung bình của các thị trường châu Á là mức 19,6 lần, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam hiện tại rất khả quan.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán, sự biến động tăng/giảm trên TTCK thời gian qua là hiện tượng bình thường. Về dài hạn, TTCK tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Các tin đồn thiếu kiểm chứng ảnh hưởng đến TTCK, nếu có cũng chỉ mang tính chất nhất thời. "Các nhà đầu tư không nên lo lắng và phản ứng thái quá với những biến động mang tính ngắn hạn của TTCK. Hiện tại, nhịp điều chỉnh của TTCK đã và đang mở ra cơ hội đầu tư với những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tăng trưởng trong năm nay với một mức giá chiết khấu hấp dẫn. Do đó trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư nên rà soát lại danh mục cổ phiếu nắm giữ của mình; cơ cấu lại danh mục; lựa chọn và phân bổ vốn vào các cổ phiếu tiềm năng.
Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, chúng tôi khuyến nghị nên giải ngân từng bước vào các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tăng trưởng có mức định giá hấp dẫn trong thời điểm hiện tại. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, với tỷ trọng cao nhưng không sử dụng đòn bẩy, chúng tôi khuyến nghị hạn chế bán ra, trừ những công ty có kết quả kinh doanh yếu kém để cơ cấu danh mục. Các nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy cho đến khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng", ông Trần Hải Hà cho biết.
Theo Bộ Tài chính, TTCK Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 nhìn chung vẫn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước.