Kinh tế Trung Quốc trên đà ảm đạm

18-12-2018 10:40 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận, một số chỉ tiêu kinh tế chính của nước này như kim ngạch xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, bán lẻ tiêu dùng đã giảm tốc trong tháng 11 và đang gây sức ép lên nền kinh tế Bắc Kinh.

Theo số liệu thống kê được ông Mao Thịnh Dũng người phát ngôn Cục thống kê Quốc gia Trung Quốcđưa ra, trong tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chỉ đạt 9,1%, trong khi con số này trong tháng 10 là 22,9%. Bán lẻ tiêu dùng tăng 8,1%, thấp hơn 0,5% so với mức 8,6% của tháng trước."Nếu chỉ tính riêng tháng 11, có một số chỉ tiêu giảm tốc, điều này cho thấy áp lực kinh tế đi xuống là khá lớn, đặc biệt là môi trường bên ngoài ngày thêm phức tạp, những yếu tố bất định đang gia tăng”, ông Mao Thịnh Dũng thừa nhận.

Theo Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc, doanh số bán lẻ chỉ tăng 8,1%, mức tăng hằng tháng thấp nhất kể từ tháng 5/2003. Một dấu hiệu đáng lo ngại khác là sản lượng của các nhà máy và công xưởng trong tháng 11 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 5,9% của tháng 10 và là mức tăng thấp nhất trong 33 tháng. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm. Doanh số bán ôtô của Trung Quốc giảm mạnh từ mùa Hè trong khi giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ ghi nhận mức giảm doanh số bán hàng năm lần đầu tiên trong 30 năm.

Kinh tế Trung Quốc trên đà ảm đạmTập đoàn ZTE vừa mất một hợp đồng khổng lồ với Đức, dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn.

Người phát ngôn NBS Mao Thịnh Dũng cho biết tác động của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốccó thể tác động trực tiếp đến xuất nhập khẩu, song không nhiều, và cho biết thêm tốc độ tăng trưởng đã giảm trong tháng 11. “Số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép cả ở trong và ngoài nước, trong khi thiếu những chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", chuyên gia Julian Evans-Pritchard thuộc hãng Capital Economics nhận định.

Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính khiến kinh tếTrung Quốc sụt giảm là do phải đối phó với chiến tranh thương mại với Mỹ. Một mặt Trung Quốc phải tiếp tục giữ ổn định kinh tế để đảm bảo ổn định xã hội, đặc biệt là giữ ổn định trong các mặt việc làm; tài chính, xuất nhập khẩu, công tác dự báo tình hình; ổn định về đầu tư và đầu tư nước ngoài. Mặt khác, cũng do gặp khó khăn trong xuất khẩu tới thị trường lớn nhất là Mỹ nên Trung Quốc phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, điều chỉnh kết cấu, chiến lược, giảm sản lượng dư thừa ... và điều chỉnh để hướng tới thị trường tại các nước láng giềng trong khu vực hay xa hơn là hướng tới thị trường châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ thông qua chiến lược hợp tác "Vành đai và con đường". Các dự báo cho thấy GDP của Trung Quốc trong năm 2018 sẽ thấp hơn cùng kỳ, nằm trong khoảng 6,5%.

Những số liệu ảm đạm trên được công bố trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng xoáy căng thẳng thương mại trong suốt gần một năm qua khi hai bên liên tục có những biện pháp áp thuế nhập khẩu với khối lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD từ đối phương.

Trong bối cảnh vụ CEO tập đoàn Huawei vẫn chưa lắng dịu, tập đoàn ZTE của Trung Quốc để mất hợp đồng viễn thông lớn tại Đức, sau khi nhà cung cấp mạng Telefonica Deutschland tuyên bố sẽ kết thúc hợp đồng vào cuối năm nay.Người phát ngôn của Telefonica Deutschland xác nhận hợp đồng duy trì mạng lưới di động O2 của ZTE sẽ kết thúc vào cuối năm nay như kế hoạch. Trả lời phỏng vấn nhật báo Handelsblatt, Tổng giám đốc điều hành hãng Telefonica Deutschland Markus Haas tuyên bố trong tương lai sẽ chỉ hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ hơn của Đức, thay vì ZTE.Năm ngoái, ZTE đã suýt sụp đổ sau khi Washington cấm các công ty Mỹ bán phần mềm quan trọng hoặc các thiết bị phần mềm cho tập đoàn này trong 7 năm. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được hủy bỏ sau khi ZTE chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD. Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Trong diễn biến mới nhất, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc, cho rằng thời điểm 1/3/2019 là thời hạn chót đầy khó khăn để đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lan rộng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này.Trả lời phỏng vấn trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS, ông Lighthizer đã bày tỏ lo ngại rằng đây là một thời hạn chót đầy khó khăn. Đại diện thương mại Mỹ nhấn mạnh: "Khi tôi nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông ấy không nói về việc vượt qua thời hạn ngày 1/3... Điều này có nghĩa là kết thúc 90 ngày, những mức thuế nhập khẩu đó sẽ được đưa ra".Phát biểu trên của Đại diện thương mại Mỹ đã dập tắt những mong đợi cho rằng giai đoạn đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ được kéo dài.

Thông tin mà đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer không chỉ khiến nguy cơ đẩy "cuộc đối đầu" Trung Quốc-Mỹ ngày càng đi xa mà còn là dấu hiệu dự báo khó khăn đang chờ nền kinh tế Trung Quóc năm 2019.


N.Minh (Theo Reuters, BBC, AP)
Ý kiến của bạn