Trong bối cảnh kinh tế thế giới u ám hiện nay, một vài dấu hiệu khả quan bắt đầu ló dạng và người ta có thể hy vọng là thời kỳ đen tối nhất đã thuộc về quá khứ. Thành quả này có được phần lớn là nhờ Trung Quốc.
Trong ba tháng đầu năm, ngân hàng Trung Quốc đã ồ ạt cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Cùng thời kỳ, xuất khẩu của hai nước bán hàng nhiều nhất cho Trung Quốc là Nhật Bản và Đức bắt đầu tăng lên trở lại, chủ yếu là đối với hàng trang thiết bị. Kinh tế gia Nouriel Roubini, người đầu tiên báo trước khủng hoảng hiện nay khẳng định là “có những dấu hiệu phục hồi kinh tế phát đi từ Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua”. Một tiếng nói khác trong số những chuyên gia uy tín hàng đầu của Pháp mạnh dạn hơn khi nhận xét là: sự vươn lên của Trung Quốc có thể là giả tạo, nhưng điều đó chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc đẩy lùi khủng hoảng. Xét cho cùng nếu so sánh với khủng hoảng hồi năm 1929 thì có lẽ cái may mắn của chúng ta ngày nay là có Trung Quốc.
Có những dấu hiệu phục hồi kinh tế phát đi từ Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua. Ảnh: AP |
Theo tờ Le Monde (Pháp) “toàn cảnh kinh tế thế giới ở vào cuối quý I/2009 không còn đóng băng như so với ba tháng cuối năm 2008. Một số quốc gia, và một số lĩnh vực bắt đầu chuyển động”. Tại Mỹ, công nghiệp và nhà đất dường như ngừng tuột dốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc đang vươn lên. Ngành công nghệ xe hơi ở Brasil và châu Âu lấy lại phong độ. Không khí lạc quan cũng đã thổi đến Anh quốc, nơi mà Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tế dự đoán sẽ có thêm 3 triệu người thất nghiệp từ nay đến cuối năm. Riêng đối với Pháp, cho dù các doanh nghiệp chưa đầu tư trở lại và còn “thư thả” trong chính sách tuyển dụng nhân viên, nhưng họ bắt đầu tính tới việc này, chủ yếu là để mở rộng thêm địa bàn hoạt động ở Trung Đông và châu Phi.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng các chính sách của chính phủ và các nỗ lực kích thích kinh tế của nước ông đang giúp phục hồi nền kinh tế Trung Quốc. Ông Ôn Gia Bảo nêu lên điểm mà ông gọi là những thay đổi tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc, nền kinh tế lớn đứng hàng thứ ba trên thế giới đã phát động một kế hoạch kích thích kinh tế hồi tháng 11/2008 với chi phí 586 tỷ USD nhằm tạo công ăn việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng. |
Nhật Bản vẫn còn lúng túng, khác với tất cả những chương trình chấn hưng kinh tế trước đây, lần này Chính phủ Taro Aso chủ yếu nhắm vào việc kích thích tiêu thụ. Sở dĩ Nhật Bản phải “chuyển hướng” như vậy, do quốc gia này bị thiệt hại nặng nhất trong cơn giông tố hiện nay. Một cơn giông trong chưa đầy một năm đẩy những người không có công ăn việc làm chắc chắn xuống địa ngục. 35% giới làm công ăn lương ở Nhật không có hợp đồng chắc chắn, công việc lúc có lúc không. Chính họ là nạn nhân hàng đầu của khủng hoảng hiện nay. Les Echos nhắc lại, Nhật Bản là một nước tiên phong với mô hình lao động kiểu mới, ở đó giới chủ không bị ràng buộc khi cần cho nhân viên nghỉ việc. Từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng nguồn nhân lực này. Bước sang đầu thế kỷ 21, hiện tượng ấy càng thêm phổ biến. Với khủng hoảng hiện nay, 75% số việc làm bị giải thể liên quan đến thành phần lao động thất thường. Trong số này, đối với gần một phân nửa, mất việc đồng nghĩa với mất luôn chỗ ở và 2,5% rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ngày 10/4, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố một kế hoạch kích thích kinh tế với số tiền 150 tỷ USD nhằm phục hồi nền kinh tế lớn vào hàng thứ nhì trên thế giới này. Tính từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế khởi sự cho đến giờ, đây là chương trình kích thích thứ ba Nhật Bản đưa ra, và ngân khoản này nâng tổng số tiền dành cho nỗ lực vực dậy kinh tế của Nhật lên đến 270 tỷ USD, chiếm vào khoảng 5% tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản.
Tuy nhiên, những tia hy vọng ấy không thể cho biết đến khi nào kinh tế thế giới mới thoát khỏi khủng hoảng và chúng cũng không báo trước là cỗ xe kinh tế của thế giới sẽ phục hồi nhanh hay chậm. Trước mắt chúng ta mới chỉ có thể nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đang rút ngắn lại.
Phương Hà (Theo AFP, Xinhua, Le Monde)