Kinh tế thế giới - kỳ vọng vào sự phục hồi

15-03-2021 08:13 | Quốc tế
google news

SKĐS - Bức tranh kinh tế thế giới đang được tô điểm thêm những mảng màu tươi sáng nhờ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, đặc biệt là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang được tăng tốc ở nhiều quốc gia.

Những dự báo lạc quan

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay và đạt 4,0% vào năm tới. Dự báo này lạc quan hơn so với dự báo hồi tháng 12 năm ngoái, tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt  4,2% trong năm nay và 3,7% trong năm tới.

Một số dự báo gần đây cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm nay, nhưng sẽ có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Mỹ sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh nhất sau khi quốc gia này đưa ra gói kích thích kinh tế lịch sử, lên tới 1.900 tỷ USD. Theo OECD, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2021 - cao gấp đôi so với mức dự báo của 3 tháng trước đó, chỉ khoảng 3,2% và đến năm 2022, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 4,0%. Nguyên nhân là do trong gói hỗ trợ này có một phần dành cho cắt giảm thuế, tăng chi tiêu... đây được xem là trọng tâm trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Gói kích thích khổng lồ của Mỹ sẽ tác động tới các quốc gia khác, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng toàn cầu lên 1 điểm phần trăm. Nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics Gregory Daco nói: “Nền kinh tế Mỹ một lần nữa sẽ trở thành động lực tăng trưởng, là đầu tàu kéo phần còn lại của thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 này”. Nếu điều này trở thành hiện thực, Mỹ sẽ đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn Trung Quốc - điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2005.

Tại châu Á, hai nền kinh tế lớn nhất là  Trung Quốc và Ấn Độ - dự báo sẽ vượt qua mức trước khủng hoảng, cùng với Mỹ bắt đầu tăng tốc từ quý 2. Hàn Quốc - kinh tế từ mức tăng trưởng -1% năm 2020 sẽ cán mốc 3% trong năm nay.

Bên cạnh các quốc gia kinh tế phục hồi ngoạn mục, vẫn còn một số nước chưa thể thoát khỏi bóng ma dịch bệnh và suy thoái. 4 nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro là Pháp và Italia - dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 giảm nhẹ, trong khi kinh tế Đức và Tây Ban Nha có triển vọng phục hồi cao hơn. Mặc dù chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ở châu Âu bị chỉ trích là chậm chạp, một số nơi, dịch bệnh tiếp tục đợt bùng phát mới, nhưng tăng trưởng của các quốc gia khu vực đồng euro nói chung vẫn đạt 3,9% trong năm nay.

OECD nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021.

OECD nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021.

Ẩn họa đe dọa sự phục hồi của kinh tế

Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone đã chỉ ra thực tế rằng, nếu các quốc gia không thúc đẩy việc tiêm chủng có nguy cơ làm suy yếu các gói kích thích tài chính. Đơn cử như, việc chậm trễ tiêm vắc-xin ở châu Âu khiến người dân khó quay lại cuộc sống bình thường. Nếu Chính phủ không kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh do các biến thể mới có thể làm cho việc bơm tiền vào nền kinh tế không thể phát huy được hiệu quả.

Gói kích thích 1.900 tỷ USD của Mỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra 3 triệu việc làm cho người Mỹ vào cuối năm nay, nhưng nó cũng có thể làm gia tăng tình trạng lạm phát ở Mỹ trung bình thêm 0,75% mỗi năm trong vòng 2 năm tới. Đây có thể là mối nguy cơ chung mà nhiều nước gặp phải khi đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch COVID-19 sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo ở các nước châu Âu nếu các nhà hoạch định chính sách không có các biện pháp đủ mạnh nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đồng thời  hỗ trợ các nền kinh tế cho đến khi đại dịch kết thúc.

Ðể tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, các chuyên gia thống nhất cho rằng, thế giới cần tiếp tục tiến hành các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi khả năng phục hồi kinh tế có thể lâu hơn dự kiến...

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,9%. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới đạt tăng trưởng dương, cao hơn cả Trung Quốc, chỉ đạt 2,3%, trong khi phần lớn các nền kinh tế khác tăng trưởng âm. Ngân hàng Bank of America dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2021, cao hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới. Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cho biết kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng trung bình 6,5% trong 10 năm tới.     

Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn