Cuộc khảo sát của WEF dựa trên 22 phản hồi từ một nhóm các chuyên gia kinh tế cấp cao của các thể chế quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia và tái bảo hiểm.
Kết quả khảo sát được công bố sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) tuần trước hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống gần mức suy thoái đối với nhiều quốc gia do ảnh hưởng các đợt tăng lãi suất mạnh của các ngân hàng trung ương, cuộc xung đột tại Ukraine và các động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm.
Theo kết quả khảo sát, về lạm phát, số người dự đoán lạm phát cao tại Trung Quốc và châu Âu trong năm 2023 lần lượt chiếm 5% và 57%.
Có tới 59% số người được hỏi tin rằng châu Âu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ , trong khi có 55% cho rằng Mỹ sẽ có động thái tương tự.
Khoảng 90% số người được hỏi dự báo các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhu cầu suy yếu và chi phí vay nợ tăng cao với hơn 60% nhận định nguyên nhân là do chi phí đầu vào cao hơn. Những thách thức này sẽ khiến các công ty đa quốc gia giảm chi phí bằng cách cắt giảm chi phí điều hành và sa thải nhân sự.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có khả năng gần chạm đỉnh với 68% số người được hỏi cho rằng đến cuối năm 2023, cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên ít trầm trọng hơn.
Kết quả khảo sát được công bố tại Hội nghị thường niên lần thứ 53 của WEF ở Davos (Thụy Sĩ) để thảo luận về thế giới ngày nay và tương lai với nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra đòi hỏi phải có những hành động tập thể táo bạo.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/1, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo tăng trưởng việc làm toàn cầu trong năm 2023 có thể chỉ ở mức 1%, bằng một nửa mức tăng trưởng năm 2022 (2%) và thấp hơn mức dự báo 1,5% do ILO đưa ra trước đó.
Theo ILO, tỉ lệ thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2023 là 5,8%, tương đương 208 triệu người, cao hơn mức dự báo 205 triệu người đưa ra trước đó. Điều này đồng nghĩa với những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ không thể được bù đắp trước năm 2025.
Bên cạnh đó, báo cáo của ILO cũng cho biết lạm phát leo thang đã khiến tiền lương thực tế suy giảm nhanh chóng. Kinh tế đi xuống cũng khiến nhiều lao động sẽ buộc phải chấp nhận các công việc chất lượng thấp, thu nhập kém trong năm 2023. Bên cạnh đó, những người trong độ tuổi từ 15-24 đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm và duy trì công việc tốt.
Tình trạng suy giảm những công việc chất lượng đang trở nên trầm trọng hơn do nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc (xung đột tại Ukraine, căng thẳng địa chính trị, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19 và tắc nghẽn chuỗi cung ứng...).
Trước tình hình này, ILO kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo khi có tới 2/3 lực lượng lao động trẻ toàn cầu thiếu kỹ năng cơ bản, khiến họ khó tìm việc làm.