Hà Nội

Kinh tế thế giới chậm chạp hồi phục vì bất bình đẳng vắc xin COVID-19

01-08-2021 11:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vừa cảnh báo sự bất bình đẳng về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế thế giới.


Kinh tế thế giới chậm chạp hồi phục vì bất bình đẳng vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Phát biểu khi công bố báo cáo 6 tháng đầu năm về tình hình thương mại quốc tế, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh hoạt động thương mại thế giới và sản lượng đã hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự kiến kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi ghi nhận sự giảm sút mạnh trong đợt bùng phát dịch đầu tiên. Theo bà Okonjo-Iweala, dự báo mới đây nhất của WTO ước tính lượng hàng hóa giao dịch sẽ tăng lần lượt 8% và 4% trong hai năm 2021 và 2022.

Người đứng đầu WTO nhận định, hoạt động thương mại có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, trong đó sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này. Sự bất bình đẳng thể hiện rõ ở tỷ lệ tiêm chủng thấp tại các quốc gia có thu nhập thấp với chỉ hơn 1% dân số tại các nước này mới tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

Do vậy, theo bà Okonjo-Iweala, việc không đảm bảo sự tiếp cận vắc xin toàn cầu đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới và sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi cho rằng tiếp cận vắc xin đã trở thành vết nứt chính phân chia phục hồi kinh tế toàn cầu thành hai khối.

Một cuộc họp gần đây giữa các thành viên nhóm phân phối vắc xin của WHO đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào, vì không có vắc xin để phân bổ. "Chẳng có liều vắc xin AstraZeneca nào, cũng không có vắc xin Pfizer hay Johnson&Johnson", Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho biết.

Covax hiện phải dựa vào những nguồn vắc xin tài trợ không chắc chắn, với hầu hết cam kết kéo dài đến hết năm 2021.

Bà Strive Masiyiwa, phái viên phụ trách đàm phán vắc xin của Liên minh châu Phi, so sánh tình trạng hiện nay vắc xin hiện này là "những người giàu nhất mua luôn cả thợ làm bánh". Tiến sĩ Ingrid Katz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Toàn cầu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts của Mỹ nói rằng: "Một nhóm người nhỏ giàu có về cơ bản sẽ đưa ra những quyết định sống còn cho phần còn lại của thế giới".


Hà Anh (Theo AP)
Ý kiến của bạn