Kinh tế Nhật Bản suy thoái nghiêm trọng

29-12-2014 07:09 | Quốc tế

SKĐS - Trong tháng 11, tức là tháng thứ tư liên tiếp, mức lạm phát ở Nhật Bản đã chậm lại, trong khi sản xuất công nghiệp và mức tiêu thụ đã sụt giảm.

Trong tháng 11, tức là tháng thứ tư liên tiếp, mức lạm phát ở Nhật Bản đã chậm lại, trong khi sản xuất công nghiệp và mức tiêu thụ đã sụt giảm. Đó là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài.

Doanh số bán hàng tại các siêu thị ở Nhật Bản suy giảm.

Trong tháng qua, dân Nhật vẫn tiêu xài ít hơn, hậu quả là các công ty phải giảm bớt mức sản xuất. Trong khi các nhà kinh tế dự báo mức tăng 0,8%, thì sản xuất công nghiệp ở Nhật trong tháng 11 lại giảm 0,6%. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tăng rất yếu trong tháng qua, tức là chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra là 2%. Đây là mức lạm phát thấp nhất từ tháng 9/2013 tại Nhật Bản, quốc gia mà từ nhiều năm qua vẫn cố thoát ra khỏi tình trạng giảm phát. Theo các nhà kinh tế, tình hình giá dầu tuột dốc như hiện nay sẽ càng thúc đẩy xu hướng lạm phát yếu. Theo Hiệp hội siêu thị Nhật Bản, doanh số bán tại các siêu thị ở nước này trong tháng 12/2014 đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, ghi dấu tháng giảm thứ tám liên tiếp, khi các mặt hàng dùng trong mùa đông khá ế ẩm bởi thời tiết tương đối ấm áp. Theo hiệp hội trên, doanh thu tại 9.337 cửa hàng thuộc 60 chuỗi siêu thị đạt 1.090 tỷ yên, trong đó doanh số bán các mặt hàng thực phẩm (chiếm tới 62% tổng doanh số bán) tăng 0,9%, còn doanh số bán quần áo giảm 7,4%. Doanh số bán các sản phẩm gia dụng như hàng nội thất và hàng tạp phẩm cũng giảm 2,6%.

Trước tình trạng trên, Chính phủ Tokyo đã kêu gọi các công ty lớn ở Nhật Bản, mà trong thời gian qua đã hưởng lợi rất nhiều từ việc đồng yên sụt giá mạnh, nên “chia phần” cho những người khác, cụ thể là tái đầu tư những lợi nhuận của họ, tăng lương cho nhân viên. Nhưng kêu gọi như thế vẫn chưa đủ, vì theo các chuyên gia, phải có một môi trường kinh doanh thuận lợi thì các công ty tư nhân mới mạnh dạn đầu tư hơn. Thủ tướng Shinzo Abe đã hứa sẽ đề ra các cải tổ cơ cấu, như giảm thuế, để kích thích tăng trưởng, nhưng các biện pháp này hiện chỉ mới trên giấy tờ.

Vừa được Quốc hội Nhật bầu lại vào chức vụ Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã tuyên bố nỗ lực phục hồi nền kinh tế, với các biện pháp được mệnh danh là “Abenomic”. Ngày 28/12, Chính phủ Tokyo thông báo chi tiết kế hoạch mới để chấn hưng kinh tế Nhật, huy động đến 29 tỉ USD vừa được giải ngân, tương đương gần 1% tổng sản phẩm nội địa. Mục tiêu là để tránh tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, kích thích tiêu dùng và hỗ trợ cho các địa phương đang gặp khó khăn. Chính sách tái thúc đẩy kinh tế quy mô của Thủ tướng Shinzo Abe, thường được gọi là Abenomics, nhằm đưa nước Nhật ra khỏi 15 năm giảm phát, hiện đang chững lại. Tiêu dùng vẫn tiếp tục giảm, tiền lương thực tế khi trừ đi tỉ lệ lạm phát cũng thế. Thủ tướng Shinzo Abe phản ứng lại bằng một kế hoạch tái thúc đẩy mới, nhằm hỗ trợ cho các vùng thưa dân. Các địa phương này có thể phân phát phiếu mua hàng cho cư dân mình, dùng để mua các sản phẩm nội hóa, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ không được hưởng lợi từ chính sách Abenomics trước đây.

Việc đồng yên giảm giá mạnh chủ yếu có lợi cho các tập đoàn xuất khẩu lớn, chứ không phải các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn phải trả cái giá cao hơn cho các hàng hóa cơ bản nhập khẩu. Kế hoạch tái thúc đẩy lần này cũng dự định tài trợ cho các công ty dịch chuyển xưởng sản xuất hay trung tâm nghiên cứu đến các khu vực này, nhằm kích thích các nhân viên rời khỏi những đô thị lớn quá đông dân”.

(Theo Globalist, Bloomberg)

Quỳnh Anh

 

Các vấn đề về kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt

1. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đầu người cao hơn trung bình.

2. Dân số đang giảm (ước tính từ 127 triệu người hiện tại xuống 87 triệu năm 2060).

3. Tăng trưởng kinh tế thực khá thấp trong nhiều thập kỷ tới (khi dân số tiếp tục co lại).

4. Tỷ lệ tiết kiệm ngày càng thấp, do dân số già sẽ bắt đầu tiêu tiền tiết kiệm sớm. Việc này sẽ khiến thâm hụt ngân sách Chính phủ giảm đi.

5. Khu vực doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán vững chắc, sau 25 năm giảm vay nợ. Nhưng tỷ lệ đầu tư sẽ thấp và không có xu hướng đổ tiền vào Nhật Bản.

6. Chính phủ với nợ tương đương 250% GDP.

7. 43% doanh thu của Chính phủ Nhật Bản hàng năm chỉ dành để trả nợ.

8. Ngân hàng Trung ương đã nới lỏng tiền tệ từ năm 2001 và vẫn sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.

9. Nhật Bản đã thất bại trong việc tạo ra lạm phát cho đến bây giờ, nhưng giá cả đã ổn định trong thời gian khá dài.

 

 

 


Ý kiến của bạn