Hà Nội

Kinh tế Hồng Kông bị tổn thương do biểu tình

13-10-2014 07:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt giảm 1,4% vào lúc mở cửa phiên giao dịch, do viễn cảnh khủng hoảng kéo dài.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã sụt giảm 1,4% vào lúc mở cửa phiên giao dịch, do viễn cảnh khủng hoảng kéo dài. Các nhà phân tích quan ngại trung tâm tài chính quan trọng của châu Á bị sa lầy trong khủng hoảng. “Hồng Kông đang trải qua một thời khắc nguy kịch và người biểu tình có thể gây ra nhiều tổn thất lâu dài cho trung tâm tài chính này”, theo như nhận định của một chuyên gia.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông lớn thứ sáu trên thế giới, thứ hai ở châu Á, chỉ sau Tokyo. Hồng Kông cũng là thị trường hối đoái lớn thứ sáu. Thành phố này luôn mở cửa đối với các nhà đầu tư và không có kiểm soát giới hạn về vốn. Hiện một số cửa hàng đóng cửa và các công ty đa quốc gia khuyến cáo nhân viên ở nhà. Tình trạng giằng co càng kéo dài thì sự băn khoăn lại càng gia tăng. Các chuyên gia ước tính, đợt biểu tình lần này ở Hồng Kông đã cản trở nhiều hoạt động kinh doanh, làm tiêu tan gần 50 tỷ USD giá trị chứng khoán Hồng Kông. Ngân hàng Thế giới nhận định, đợt biểu tình đang làm tổn thương nền kinh tế Hồng Kông.

Ngành phân phối và du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất vì biểu tình.

Từ lâu, Hồng Kông đã đóng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc lục địa và thế giới bên ngoài, chuyển tải dòng chảy thương mại và đầu tư ở cả hai chiều. Vai trò đó dần mờ nhạt trong những năm gần đây, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, kết nối trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng tích cực xây dựng những trung tâm tài chính - kinh tế Thượng Hải và Thâm Quyến, với ý đồ thay thế Hồng Kông trong một tương lai không xa. Hồng Kông hiện thời kém quan trọng hơn Hồng Kông trước kia. Tỷ lệ tổng sản lượng (GDP) của Hồng Kông so với toàn Trung Quốc đã giảm từ 16% năm 1997 - thời điểm Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc kiểm soát - xuống 3% hiện nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, Hồng Kông đã chứng tỏ là đáng tin cậy hơn Trung Quốc lục địa với tư cách một nguồn tài trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán. Từ năm 2012 đến nay, thông qua phát hành cổ phần ra công chúng (IPO) tại thị trường Hồng Kông, các công ty Trung Quốc lục địa đã huy động được 43 tỉ đô - la Mỹ so với chỉ 25 tỉ đô - la huy động được từ hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, theo dữ liệu của Công ty Dealogic. Hồng Kông cũng cung cấp cho các công ty Hoa lục con đường tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu thông qua phát hành trái phiếu và vay vốn tín dụng mà không thành phố nào khác sánh nổi. Hơn thế nữa, Hồng Kông còn là nơi điều phối chủ yếu các nguồn vốn đầu tư vào và ra khỏi Trung Quốc lục địa: 2/3 số vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc năm ngoái đi qua Hồng Kông, tăng hơn gấp đôi so với mức 30% của năm 2005. Hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Hồng Kông là đổ vào thị trường Trung Quốc; 20% tổng tài sản các ngân hàng Hồng Kông là cho vay tới các khách hàng Trung Quốc lục địa;  doanh số của ngành bán lẻ và du lịch - chiếm tới 10% GDP của Hồng Kông - cũng đến từ Trung Quốc.

Trên thực tế, ngành phân phối và du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Văn phòng CLSA, lượng khách mua sắm tại các cửa hàng lớn giảm 30% vào những ngày đầu của “tuần lễ vàng” nhân kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, tức thời gian mà du khách Hoa lục tiêu xài nhiều. Một văn phòng phân tích tại Hồng Kông cho biết: “Biểu tình kéo dài và dữ dội hơn dự kiến, nên các cửa hàng phải đóng cửa hoặc giảm giờ mở cửa”. Số lượng du khách Hoa lục thấp hơn dự kiến nhưng tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số u ám trên càng làm giới tiểu thương tức giận và trút cơn phẫn nộ lên đầu người biểu tình, dẫn đến các vụ đụng độ, đôi khi bạo lực. Tài xế taxi và người khuân vác được trả lương công nhật chính là thành phần bị ảnh hưởng nhất.

(Theo Bloombergs, Le Figaro)

Quỳnh Diệp

Từ ngày Hồng Kông được Anh quốc trao trả về tay Bắc Kinh vào năm 1997, trung tâm tài chính là “sân chơi của các vị hoàng tử đỏ” và bãi đáp của các tay tỷ phú. Về ảnh hưởng đối với kinh tế, một nền pháp trị già dặn, một hệ thống chính quyền ổn định và môi trường sống đáng mơ ước là các yếu tố tạo nên Hồng Kông trong tư cách một trung tâm tài chính quốc tế.

 


Ý kiến của bạn