Kinh tế EU vẫn chưa thoát "hoàn lưu" bão nợ công

17-12-2014 19:07 | Quốc tế

Khủng hoảng nợ công vẫn đang tác động không nhỏ tới 28 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu

Khủng hoảng nợ công vẫn đang tác động không nhỏ tới 28 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), khiến cho tăng trưởng của các nước thuộc khối này tiếp tục có những dấu hiệu giảm sút trong những tháng gần đây. Các nhà lãnh đạo EU vẫn phải “vắt óc” để có thể tìm ra giải pháp phù hợp.

Những con số không vui

Tổng quan kinh tế EU vẫn là bức tranh ảm đạm. Số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong tháng qua, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro vẫn là 0,3%. Theo nhận xét của một số chuyên gia, kinh tế EU đang ở trong tình trạng trì trệ. Tại Anh - một trong những nền kinh tế hàng đầu trong EU - đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế nước này đang có dấu hiệu chậm lại. Các nhà xuất khẩu ở Anh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do kinh tế EU đình trệ và các khoản cho vay thế chấp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. Thủ tướng Anh David Cameron vẫn chủ trương thắt chặt chi tiêu trong nước.

Cùng với Anh, những nền kinh tế lớn của EU là Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫn chìm trong khó khăn, với mức tăng trưởng rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục: hơn 10% trên toàn EU, 11,5% tại Khu vực đồng euro, nhất là tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Pháp và Italia còn vượt quá chỉ tiêu của EU về mức trần thâm hụt ngân sách (3%) và nợ công. Nền kinh tế lớn nhất EU là Đức vừa phải hạ mức tăng trưởng dự kiến của 2014 xuống còn 1,2% và 2015 xuống 1,3% (giảm 1/3 so với dự báo trước đó). Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel thừa nhận kinh tế nước này đang gặp khó khăn về ngoại thương. Pháp thì mới công bố dự thảo ngân sách 2015 với mức thâm hụt chiếm tới 4,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Italia cũng đang chịu áp lực phải cắt giảm nợ công đang ở mức cao tới 133,4% GDP (hơn gấp 2 lần so với mức quy định của EU). Sản xuất công nghiệp và mức tiêu dùng ở các nước EU ngày một giảm.

Tia hy vọng

Sau một thời gian khá dài không thể đạt được đồng thuận, ngày 9-12, các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đạt được thỏa thuận về ngân sách 2015: 141,2 tỷ euro. Trong đó, 8 tỷ euro sẽ dành cho kế hoạch kích thích kinh tế EU theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. 3,5 tỷ euro dành để chi trả một số khoản nợ trong năm 2014 (các khoản nợ của EU hiện nay khoảng gần 30 tỷ euro). Ngân sách 2015 còn phải được EP phê chuẩn vào ngày 17-12. Việc đạt được sự thống nhất về ngân sách 2015 trước hết thể hiện nỗ lực của cả EU trong việc thu hẹp những bất đồng, đồng thời phần nào giảm bớt những khó khăn chồng chất của khối này, đặc biệt tạo động lực cần thiết cho tăng trưởng và tạo việc làm.

Kinh tế EU vẫn chưa thoát "hoàn lưu" bão nợ công

Một trong những kế hoạch hành động có thể mang lại tín hiệu lạc quan cho EU đó là dự án đầu tư 315 tỷ euro, vừa được tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đề xuất, cùng với đó là “tinh thần sẵn sàng vì sự phát triển EU” của Đức, nhất là thể hiện vai trò "đầu tàu" trong khối.

Những dấu hiệu tích cực này cho thấy, châu Âu bắt đầu thể hiện sự đồng lòng trong cách thức giải quyết nhằm tạo động lực mới cho EU. Đó cũng sẽ là nền tảng cho phép khối này nâng cao khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Vẫn còn sức ép

Mục tiêu mà lãnh đạo EU đưa ra ngày 15-12 là phải tiếp tục giữ Hy Lạp - quốc gia từng hai lần nhận cứu trợ tài chính - tồn tại trong Khu vực đồng euro. Theo lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, quốc gia Nam Âu này đang gặp nhiều vấn đề về thị trường, đầu cơ tràn lan, dẫn tới việc có thể phải rời khỏi Khu vực đồng euro do thiếu tài chính. Vậy làm sao để có thể giải quyết được vấn đề của Hy Lạp để không ảnh hưởng tới toàn bộ EU và Khu vực đồng euro? Vấn đề còn nan giải.

Trong tình hình lạm phát như hiện nay, EU rất có thể sẽ bị rơi vào tình trạng ngưng trệ tăng trưởng và giảm phát. Chính Ủy ban châu Âu phải thừa nhận rằng EU, đặc biệt là Khu vực đồng euro, sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể thoát ra khỏi tình trạng trì trệ kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì vừa đưa ra đánh giá giảm mức tăng trưởng của 18 nước Khu vực đồng euro còn 0,8% năm 2014.

Thêm vào đó, thực trạng của ba nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng euro càng khiến người dân EU không thể lạc quan. Trong báo cáo mới công bố, Ủy ban châu Âu đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Đức năm 2014 từ 1,8% xuống còn 1,3%. Nước Pháp thì gần như dậm chân tại chỗ, với dự báo tăng trưởng 2014 chỉ đạt 0,3% so với dự báo 1% trong báo cáo mùa Xuân của Ủy ban châu Âu. Italia thì vẫn bị suy thoái kinh tế trong năm thứ ba liên tiếp, với GDP sẽ sụt giảm 0,4% trong năm 2014, trong khi vào mùa Xuân mức dự báo tăng trưởng là 0,6%.

Vấn đề hiện nay, theo các chuyên gia OECD, chính phủ các nước EU cần nới lỏng chi tiêu nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Nếu khối này không hành động kịp thời, tình trạng đình trệ do tăng trưởng chậm có nguy cơ kéo dài.

Những nỗ lực của EU thời gian qua chưa thấm vào đâu so với những vấn đề mà khối này phải giải quyết. EU già cỗi dường như đang hao mòn sức lực vì nhiều năm khủng hoảng tài chính-kinh tế. Cuộc họp mùa Đông trước khi bước sang năm mới của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tuần này liệu có mang lại một luồng sinh khí mới tạo thêm sức phục hồi tăng trưởng cho khối này hay không? Câu trả lời quyết định từ chính các nhà lãnh đạo EU.

Theo Nhân dân

 


Ý kiến của bạn