Trong báo cáo vừa công bố tháng 5/2015, số liệu nghiên cứu ghi nhận: thị trường nguyên liệu thế giới trong năm 2015 vẫn ảm đạm. Giá nông phẩm, khoáng sản và dầu khí đều có khuynh hướng giảm sụt so với năm 2014. Chu kỳ luẩn quẩn đó sẽ không sớm được khép lại.
Giá nguyên liệu, đặc biệt giá dầu hỏa giảm là phúc hay họa? Các nền kinh tế đang phát triển chủ yếu trông cậy vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên bị thâm hụt nguồn thu. Cơn sốt nguyên, nhiên liệu kéo dài trong gần một chục năm đã đi qua. Năm 2014 là một cột mốc quan trọng: Từ thị trường nông phẩm đến khoáng sản, năng lượng đều hạ nhiệt. Chủ yếu do dư thừa sản xuất. Giá bông gòn, nhựa cao su, hay lúa mì đã giảm theo thứ tự là 8-32 và 14% trong năm 2014 so với cùng thời kỳ năm 2013.

Giá dầu giảm là cơ hội phát triển hay tai họa?
Đối với các quốc gia xuất khẩu khoáng sản và nhất là năng lượng hóa thạch, năm 2014 một lần nữa đã xua tan mọi hy vọng dùng lá bài nguyên liệu làm bàn đạp để phát triển. Brazil và Nga, hai nước lớn trong khối BRIC trả giá đắt cho bài học đó. Ngân hàng Thế giới giảm dự đoán tăng trưởng của các nước đang phát triển đang từ 4,8% xuống còn 4,4% cho năm nay. Nga và Brazil có nguy cơ bị suy thoái. Tổng sản phẩm nội địa của hai quốc gia này theo dự báo của Ngân hàng Thế giới giảm theo thứ tự là 2,7 và 1,3% trong năm 2015. Nền kinh tế số một của châu Mỹ Latinh là một trong những nhà sản xuất và cung cấp nông phẩm, nguyên liệu hàng đầu của thế giới; Brazil cũng là một trong những quốc gia có trọng lượng trên bàn cờ thép, sắt, nhôm, than đá, dầu hỏa, đất hiếm... Giá nguyên liệu giảm trong năm 2014 và trong 6 tháng đầu 2015 khiến thâm hụt ngân sách nhà nước của Brazil liên tục tăng. Ngân sách dành cho các khoản trợ giúp xã hội của Brazil cho năm nay đã bị thu hẹp lại 11 tỷ real - tương đương với khoảng 4 tỷ đô-la Mỹ.
Tại châu Âu, tình trạng kinh tế của nước Nga không sáng sủa hơn dưới tác động kép của các biện pháp trừng phạt kinh tế do Âu - Mỹ áp đặt và hiện tượng giá dầu, khí sụt giảm. Khác với thị trường nông phẩm, giá khoáng sản và năng lượng hóa thạch mà đứng đầu là dầu khí tùy thuộc nhiều vào yếu tố địa chính trị. Trong năm 2014, chỉ giá trung bình nguyên liệu trên thế giới sụt 20%. Riêng dầu hỏa thì mất giá đến 50%. Đây là điều khó hiểu khi biết rằng xung đột tại hay sát cạnh các giếng dầu của thế giới liên tục diễn ra trong năm. Hiện tượng dầu thô mất giá từ nửa cuối 2014 đã khiến nhiều nhà sản xuất bất ngờ. Thậm chí Qatar cũng bị thâm hụt. Theo dự thảo ngân sách của vương quốc vùng Vịnh này, 2016 là lần đầu tiên từ 15 năm qua, ngân sách Qatar bị thâm thủng.
Vì sao giá nguyên nhiên liệu lại giảm mạnh trong năm vừa qua và đâu là những tác động đối với kinh tế toàn cầu? GS. Philippe Chalmin thuộc Đại học Paris Dauphine, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu về thị trường nguyên nhiên liệu quốc tế và cũng là người điều hành báo cáo CYCLOPE 2015 đưa ra những yếu tố như sau để trả lời cho các câu hỏi trên: Yếu tố địa chính trị luôn đóng một vai trò quan trọng đối với thị trường năng lượng, nguyên và nhiên liệu, đặc biệt là trong trường hợp của dầu hỏa trong năm 2014. Có thể nói giá cả tùy thuộc vào tình hình của thế giới, nhưng địa chính trị không là nguyên nhân duy nhất và không quyết định tất cả. Tôi xin giải thích: Trong giai đoạn từ những năm 2005-2006 cho đến 2014, trong gần một thập niên, giá năng lượng và nguyên, nhiên liệu không ngừng gia tăng. Thuật ngữ trong ngành gọi đó là “cú sốc” nguyên và nhiên liệu. Thế rồi tới năm 2014 và trong trường hợp của dầu hỏa là từ giữa năm ngoái, chỉ giá trên các thị trường này bắt đầu giảm. Chúng tôi gọi đó là chu kỳ “phản sốc”. Hiện tượng “phản sốc” đó do sản xuất dư thừa. Bởi vì trong thời gian giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, các nhà sản xuất đã ồ ạt đầu tư vào các kỹ thuật mới, hiện đại hóa guồng máy sản xuất, các kỹ nghệ khai thác.
Riêng ngành dầu khí thì đã trải qua một cuộc cách mạng, khi Mỹ, Canada bắt đầu khai thác dầu và khí đá phiến. Hậu quả là giờ đây, cung cao hơn cầu. Hiện tượng đó khiến giá nguyên, nhiên liệu giảm sụt và sẽ còn giảm tiếp trong một thời gian dài. Điều này đã được chứng minh không chỉ đối với dầu hỏa, khí đốt, mà ta còn thấy là giá các khoáng sản cũng đã giảm mạnh, từ than đá đến đồng, sắt... giá nông sản và lương thực cũng đã giảm đi nhiều kể từ sau cơn sốt hồi năm 2008.
Vấn đề đặt ra là khi giá nguyên nhiên liệu giảm mạnh như chúng ta đã thấy thì nhiều quốc gia chủ yếu trông vào sản xuất và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên trở nên trơ trụi. Điều đó càng tìm giải đáp cho câu hỏi, nguyên nhiên liệu là một cơ hội để phát triển hay là một tai họa?
(Theo CNN, AFP)
Quỳnh Diệp