Kính râm là một trong những phụ kiện không thể thiếu trong mùa hè vì có tác dụng bảo vệ mắt khỏi ánh mặt trời, nhất là ánh nắng gay gắt. Tuy nhiên, vì “ham rẻ” mà nhiều người phải đối mặt với những nguy hiểm cho sức khỏe khi sử dụng loại kính này.
Tràn lan kính râm vỉa hè
Tại các phiên chợ, trên đường quốc lộ, ngã ba, ngã tư của các trục đường lớn, nhỏ đều có sự hiện diện của các cửa hàng kính mắt “di động”. Kính được bày bán tại các cửa hàng này thường có giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 - 20.000/chiếc. Được bày bán công khai trên thị trường và gần như không được thông qua bất cứ kiểm định nào về chất lượng, các loại kính râm “rẻ, đẹp, hại mắt” dễ dàng được người tiêu dùng tìm mua mà không hay biết về tác hại của chúng.
Kính râm giá rẻ không qua kiểm định được bày bán tràn lan trên vỉa hè. Ảnh: nguồn Internet
Chị Hạnh ở Thái Nguyên cũng mua một chiếc kính râm ở cửa hàng ven đường vì giá rẻ mà đeo lại đẹp. Nhưng sau một tuần chị thấy mắt đỏ, nhức mắt và khó chịu không thể tiếp tục đeo được nữa. Chị Thảo ở Lạng Sơn cho biết: Trên đường đi làm về chị qua 3 hàng kính bày bán trên vỉa hè. Tìm mãi chị cũng tìm cho mình được một chiếc kính mắt ưng ý. Khi mới mua về, đeo được 2 - 3 hôm chị thấy rất tiện lợi. Những ngày sau đó, chị thấy mắt có biểu hiện khác thường như nhức mỏi, ngứa và đỏ mắt, đồng thời thị lực cũng có vẻ kém đi. Đi khám bác sĩ cho biết chị bị viêm giác mạc.
Có thể gây hại cho mắt
Những chiếc kính này thường được làm bằng vật liệu kém chất lượng, dưới ánh nắng mặt trời, mồ hôi phần viền mắt tại vị trí đeo kính sẽ khiến các lớp hóa chất phủ trên bề mặt kính “hoạt động”. Do tác động của bụi bẩn, chúng gây ra nhiều tác hại cho mắt của những người có cơ địa yếu như đau mắt, rát mắt, dị ứng, mẩn ngứa… Ngoài ra, hầu hết những chiếc kính kém chất lượng này không có tác dụng tránh ánh nắng mặt trời và cản tia UV. Chúng khiến người sử dụng dễ bị lóa, chói, chóng mặt, nhức đầu; nặng hơn có thể gặp các bệnh như bỏng võng mạc, viêm giác mạc… thậm chí bị mù.
Nếu chất lượng kính không tốt bệnh nhân nhìn sẽ mờ, gây nhức đầu và ảnh hưởng lâu dài tới mắt. Khi mua kính người tiêu dùng nên đến những nơi tin cậy để đo khám và lắp kính. Đồng thời nên yêu cầu đo mức độ chống tia UV của kính bằng máy truyền quang phổ.
Người bị cận thị muốn đeo kính râm cận phải đến bác sĩ nhãn khoa kiểm tra xem mắt và dùng kính do bác sĩ chỉ định. Ngoài ra những người bị chứng viêm màng mắt, mắt đỏ (viêm kết mạc) viêm góc mắt, mắt khô, viêm tuyến nước mắt... thì phải điều trị cho khỏi mới có thể dùng loại kính này.
Những người thường xuyên tiếp xúc với vi sinh vật dễ dẫn đến những bệnh viêm về giác mạc, những người dị ứng với các loại kính… không nên sử dụng kính râm. Không nên mua kính tại các chợ quê và của người bán rong vì hầu hết các loại kính này không được đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí có thể gây mù lòa. Khi sử dụng các loại kính râm hay kính râm cận phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tránh vi khuẩn có thể xâm nhập vào mắt.
Bác sĩ Tuyết Thanh