Kinh phí hạn hẹp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP

18-02-2017 08:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Báo cáo tại cuộc họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 với Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì ngày 15/2

Báo cáo tại cuộc họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 với Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì ngày 15/2, các Bộ cho rằng, thực tế ngân sách hạn hẹp khiến hoạt động quản lý nhà nước thời gian qua giảm hẳn tính hiệu quả, hiệu lực trong thực thi công vụ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ được cấp 192.370 triệu đồng, nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý  ATTP (phí, lệ phí) là 959.143 triệu đồng. Tuy nhiên số này chỉ bằng 30% kế hoạch đề xuất và đây là khó khăn lớn để bảo đảm hiệu quả quản lý ATTP.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng kinh phí đầu tư cho công tác quản lý ATTP ở Việt Nam còn rất thấp. Giai đoạn 2001 - 2005 chỉ bằng 1/25 của Thái Lan (Thái Lan là 1USD/người/năm còn Việt Nam là 780 đồng/người/năm). Giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm thành phố chi trên 100.000 đồng/người. Tương tự đối với Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011 - 2016, số kinh phí được cấp chỉ bằng 20% (101 tỷ đồng) so với số được phê duyệt cho Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh ATTP.Cán bộ thú y kiến dịch gia cầm tại chợ. Ảnh: TM

Cán bộ thú y kiến dịch gia cầm tại chợ. Ảnh: TM

Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ATTP, đại diện các Bộ NN&PTNT, Y tế đều nhận định, tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp; buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp; phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ...

Sau khi nghe ba bộ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP và các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với 13 địa phương về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016” cho thấy, các bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật ATTP, qua đó đảm bảm chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đoàn giám sát đánh giá các văn bản pháp luật về ATTP khá đầy đủ; qua giám sát chưa phát hiện việc ban hành các văn bản trái quy định của pháp luật. Thực hiện chức năng của mình, các bộ đã có nhiều cố gắng làm tốt vai trò quản lý nhà nước về ATTP; đôn đốc, trực tiếp thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra...

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng mất ATTP đã trở thành vấn đề lớn, nhiều vụ việc gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân; hệ thống pháp luật, nhất là quy định trong một số điều của Luật ATTP cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế; Luật xử lý vi phạm hành chính cũng cần được bổ sung để đủ căn cứ pháp lý xử lý...

Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát liên tục từ năm 2011 đến 2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 nghìn người mắc, trong đó có 164 người chết. Như vậy, tính trung bình có gần 170 vụ với hơn 5 nghìn người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Báo cáo cũng ghi nhận nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn
Tags: