Kinh phí cho hoạt động phòng chống ung thư giảm 65%

12-12-2016 15:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - So với thời gian từ 2011 – 2013, những năm trở lại đây kinh phí dành cho phòng chống ung thư bị cắt giảm tới 65% gây nhiều khó khăn cho hoạt động phòng chống ung thư.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Chương trình quốc gia phòng chống ung thư: Vai trò của giám sát và đánh giá. Bên cạnh công tác tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư, giáo dục tuyên truyền hay tăng cường hiệu quả điều trị ung thư, giám sát - đánh giá là một mắt xích quan trọng của chương trình phòng chống ung thư quốc gia. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương, các cơ quan do nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp, hoặc chưa nhận thức được vai trò của công tác này trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân, việc giám sát, đánh giá, ghi nhận ung thư chưa được coi trọng đúng mức.

Phòng chống ung thư là việc cần làm ngay

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, ung thư được coi là một vấn đề đáng báo động ở Việt Nam.  Vấn đề giám sát, đánh giá trở nên rất quan trọng cho việc hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch phòng chống ung thư quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Nếu công tác giám sát, đánh giá trong phòng chống ung thư được thực hiện, sẽ cho biết tình hình bệnh ung thư ở mỗi địa phương, vùng hay quốc gia đang diễn biến thế nào, từ đó mới có được kế hoạch phòng chống ung thư hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách sẽ dựa trên những số liệu này để phân tích, đánh giá về cơ cấu bệnh ung thư, loại ung thư nào cần tập trung nguồn lực vào phòng chống phát hiện sớm, loại bệnh ung thư nào cần tập trung cho công tác điều trị hoặc nếu là loại ung thư không chữa được cần tập trung vào công tác chăm sóc giảm nhẹ. ... Đánh giá giám sát còn cho biết năng lực điều trị của một quốc gia, nếu không có đánh giá giám sát, thì sẽ không thể đánh giá được hiệu quả của chương trình phòng chống ung thư.

Hiện Việt Nam đã có quy hoạch phát triển mạng lưới phòng chống ung thư từ  tuyến trung ương đến địa phương, tuy nhiên trên cả nước mới có 9 địa phương có đơn vị ghi nhận ung thư, các số liệu có được chủ yếu từ các bệnh viện, cơ sở y tế. Trong tương lai Việt Nam cần có hệ thống giám sát ung thư quốc gia. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, giám sát cần gắn với cả hệ thống y tế mới có thể thực hiện tốt được bởi chỉ cần một bệnh viện, một cơ sở  y tế không tham gia thì số liệu về bệnh ung thư sẽ không chính xác.

Giám sát phòng chống ung thư  còn gặp nhiều khó khăn

Một trong những khó khăn mà nhiều địa phương gặp phải là không đủ nguồn lực hoặc do phòng chống bệnh ung thư không phải là mục tiêu ưu tiên của địa phương nên địa phương đó không “mặn mà” với công tác giám sát đánh giá trong phòng chống ung thư.

Đơn cử như hoạt động sàng lọc ung thư đã được chứng minh rất hiệu quả từ năm 2009 đến 2013. Tuy nhiên do nguồn kinh phí từ trung ương bị cắt giảm nhiều trong các năm 2014 – 2015, việc theo dõi quản lý và điều trị các tồn thương tiền ung thư đã bị giảm, thậm chí không thực hiện ở tuyến trung ương. Thêm vào đó là do bảo hiểm không thanh toán trong khám sàng lọc khi người bệnh cần khám và xét nghiệm chuyên sâu.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư

PGS. TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư chia sẻ, kinh phí dành cho việc phòng chống ung thư nói chung ngày càng giảm, hiện chỉ còn khoảng 30% so với năm 2008. Ths. Nguyễn Hoài Nga – Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến- Bệnh viện K cho biết, kinh phí thực hiện dự án năm 2011 là 38 tỷ đồng trên 27 tỉnh tham gia thì đến năm 2014 giảm mạnh chỉ còn 12,5 tỷ trong khi số tỉnh tham gia lên tới 37 tỉnh thành. Mặc dù năm 2016, con số này có nhích thêm nhưng không đáng kể. Bác sĩ Bùi Đức Tùng, đơn vị Ghi nhận ung thư, thuộc Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết: “Chúng ta thường tập trung nguồn lực cho công tác điều trị ung thư, trong khi ngân sách dành cho hoạt động ghi nhận ung thư hiện nay còn rất hạn chế. Mà đây là việc làm rất cần thiết trong công tác phòng chống ung thư”.

Trước những khó khăn đó, dự án phòng chống ung thư quốc gia vẫn đặt quyết tâm huy động  nguồn lực từ trung ương tới địa phương tiếp tục thực hiện chương trình. Theo đó, giai đoạn từ năm 2016 – 2020 sẽ mở rộng từ 38 tỉnh lên 63 tỉnh thành tham gia dự án phòng chống ung thư giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư; nâng cao năng lực của nhân viên y tế, phấn đấu đạt 80% cán bộ y tế hoạt động trong dự án được đào tạo về dự phòng và phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến, phấn đấu trên 70% tỉnh, thành có cơ sở phòng chống ung thư như khoa ung bướu, trung tâm hoặc bệnh viện ung bướu, 20% số người mắc mới một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm....


Hải Yến
Ý kiến của bạn