Kình ngư Hoàng Quý Phước suất Olympic may mắn và cuộc giải cứu cuối cùng

31-07-2016 08:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kình ngư từng giành 4 Huy chương Vàng SEA Games này đã giành suất Olympic 2016 thứ 23 cho thể thao Việt Nam theo diện xét vớt đầy may mắn.

Kình ngư từng giành 4 Huy chương Vàng SEA Games này đã giành suất Olympic 2016 thứ 23 cho thể thao Việt Nam theo diện xét vớt đầy may mắn. Trước đó, sự nghiệp đang tụt dốc nghiêm trọng của Hoàng Quý Phước cũng có cuộc “giải cứu” ngoạn mục nhờ chuyến xuất ngoại tiền tỷ tại Hungary.

Ðến Olympic qua khe cửa hẹp

Ở Olympic London 2012, Quý Phước cũng từng đạt tới chuẩn B Olympic, song cuối cùng vẫn vuột suất đầy nuối tiếc, bởi hai lý do. Thứ nhất, danh sách các kình ngư tới Brazil không đủ để xét tới những người chỉ đạt chuẩn B. Thứ hai, do người đồng đội Ánh Viên đã đạt chuẩn A tới Olympic nên theo điều lệ quốc tế, Phước cũng không được nhận vé đặc cách cho những nền bơi kém phát triển (1 nam, 1 nữ).

Đến Olympic Rio 2016, nghịch cảnh đó tưởng như một lần nữa tái hiện với kình ngư người Đà Nẵng. Phước đã sớm đạt chuẩn B, thậm chí còn sở hữu 2 chuẩn ở 2 nội dung. Tuy nhiên, anh đã không thể vươn tới mức chuẩn A để nghiễm nhiên giành quyền dự tranh, bất chấp những nỗ lực qua hàng loạt giải đấu kể từ sau SEA Games 2015.

Chuyến tập huấn tại Hungary giúp Hoàng Quý Phước giải quyết dứt điểm chấn thương và tìm lại phong độ tốt nhất.

Đúng lúc cả môn bơi và bản thân Quý Phước đều đã xác định chỉ có Ánh Viên là đại diện duy nhất tại Olympic thì cơ hội bất ngờ được mở ra. Tất cả xuất phát từ sự thay đổi quy định của Liên đoàn Bơi thế giới (FINA) khi 1 vận động viên của một quốc gia đã giành suất tới Olympic bằng chuẩn A ở một giới tính thì quốc gia đó vẫn được cử 1 vận động viên ở giới tính còn lại đi theo diện đặc cách. Có nghĩa là, cùng với Ánh Viên, Việt Nam có thêm một nam vận động viên được dự tranh Thế vận hội.

Lại càng may mắn hơn cho Phước, bởi sau đó anh tiếp tục được chính các nhà quản lý huấn luyện của bơi Việt Nam trao suất đặc cách duy nhất trong số 4 kình ngư nam đạt chuẩn B. So với 3 người còn lại là VĐV Việt kiều Le Nguyễn Paul Lâm Quang Nhật, và đặc biệt Trần Duy Khôi, Phước không thật sự vượt trội. Duy Khôi với 3 chuẩn B, trẻ hơn đàn anh tới 4 tuổi và đang trưởng thành vượt bậc cũng hoàn toàn xứng đáng. Phước chỉ lọt qua khe cửa hẹp nhờ những ưu thế của riêng mình. Trong 4 nam kình ngư có chuẩn B, thành tích chuẩn B của anh trên đường bơi 200m tự do trội nhất khi kém chuẩn A đúng 1 giây. Quan trọng nhất, Phước còn là người có thâm niên, đóng góp xuất sắc, nổi bật với cột mốc giành 2 Huy chương vàng tại SEA Games 26, tạo nên một cột mốc cho cả môn bơi. Kình ngư sinh năm 1993 này coi như cũng hết “cửa” dự tranh Olympic nếu để lỡ lần này.

Người đỡ đầu đặc biệt và chuyến tập huấn tiền tỷ

Điều đáng nói, trước khi bất ngờ giành suất tới Olympic, Quý Phước có 3 tháng tập luyện rất thành công tại Hungary, nơi anh không chỉ giải quyết dứt điểm chấn thương lưng, nâng cao thể lực và sức vóc mà còn tìm lại được cảm giác và phong độ của một kình ngư hàng đầu Đông Nam Á.

Khác hẳn với 2 chuyến xuất ngoại bất thành tại Mỹ và Nhật Bản, lần này kình ngư sông Hàn đã rất may mắn khi có được một người đỡ đầu đặc biệt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary Phạm Ngọc Chu. Vị Việt kiều đang là thành viên của Ủy ban Olympic Hungary đã trực tiếp làm “cầu nối” thuê địa điểm, thầy dạy, xây dựng kế hoạch tập huấn cho Phước. Việc ăn ở, sinh hoạt của anh tại đây cũng do ông đảm trách. Phước sẽ ở ngay tại căn hộ đầy đủ tiện nghi của doanh nhân này, đồng thời được phục vụ các bữa ăn theo thực đơn do các huấn luyện viên đề ra, tại chính... nhà hàng của ông.

Với người đỡ đầu đặc biệt, nhà ĐKVĐ SEA Games đã giải quyết được khó khăn lớn nhất từng khiến anh phải trả giá đắt là khả năng thích nghi, tự chủ yếu kém với điều kiện khác biệt nơi đất khách. Điều đó được minh chứng rõ ở chuyến tập huấn Nhật Bản kết thúc dang dở trong tình cảnh “đơn thương độc mã” năm ngoái.

Rất đáng chú ý vì tại Hungary, Quý Phước đã được dẫn dắt trực tiếp bởi một ông thầy đẳng cấp hàng đầu Shane Tusup, người chồng và cũng là huấn luyện viên của kỷ lục gia thế giới Katinka Hosszu. Chính kình ngư có biệt danh “Người đàn bà thép” này  đã  đoạt Huy chương Vàng và phá kỷ lục tại giải Vô địch thế giới 2015 trên đường bơi 200m hỗn hợp - nội dung mà Ánh Viên chỉ đứng thứ 15.

Huấn luyện viên Shane Tusup cùng ê-kíp của mình đã thực hiện được đúng cam kết khi giúp tuyển thủ Việt Nam có những bước tiến rõ rệt về chuyên môn, thể lực, phong cách, gắn với một chương trình đào tạo chuyên biệt. Phước cũng sẽ được thường xuyên tập luyện cùng Đội tuyển quốc gia Hungary, nơi đang có nhiều tay bơi tầm cỡ thế giới.

Do có sự hỗ trợ từ doanh nhân Phạm Ngọc Chu về nhiều mặt nên chi phí cho chuyến tập huấn của Quý Phước sẽ “đỡ” hơn nhiều ở Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, đó vẫn là một khoản đầu tư vượt trội so với mặt bằng chung của thể thao Việt Nam, với mức khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, tiền ăn ở, đi lại, sân bãi 60USD/ngày, tiền thuê thầy 2.000 - 2.500 USD/tháng, tiền mua thuốc và thực phẩm thuốc 1.500USD. Nguồn kinh phí do Tổng cục Thể dục Thể thao và Đà Nẵng mỗi bên đảm trách một nửa.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn
Tags: