Kinh nghiệm ứng xử với bệnh nhân

22-11-2011 11:18 AM | Y tế

Thầy thuốc trước bệnh nhân luôn có những quyết định trong điều trị và bệnh nhân tiếp nhận những quyết định này thế nào?

Thầy thuốc trước bệnh nhân luôn có những quyết định trong điều trị và bệnh nhân tiếp nhận những quyết định này thế nào? Không hiểu bệnh nhân dễ gây những hiểu lầm và “văn hóa bệnh viện” thiết nghĩ phải có cách ứng xử đúng với tâm trạng bệnh nhân. Xin mạn phép được đưa ra vài kinh nghiệm.

Thường thường, bệnh nhân nghe thầy thuốc khuyên hoặc kê đơn, hướng điều trị thì nhất nhất nghe theo, nhiều người nghe và nghiền ngẫm  ý kiến của bác sĩ với thái độ trân trọng, biết ơn. Với những bệnh nhân có niềm tin tuyệt đối này, nếu thầy thuốc có uy tín, tác động tốt tâm lý bệnh nhân sẽ được bệnh nhân tin tưởng một cách chắc chắn, nhưng nếu có sai sót với bệnh nhân thì việc khôi phục lòng tin sẽ khó khắc phục.

Có những bệnh nhân coi thường bệnh tật, mặc kệ tới đâu hay đó, thờ ơ với tất cả. Thầy thuốc nói sao nghe vậy, không phản đối cũng không quá sốt sắng, họ cho là bệnh không quan trọng rồi sẽ khỏi do đó mất cảnh giác, bệnh có thể trầm trọng hơn, những bệnh nhân này thường ít kêu la mà âm thầm chịu đựng. Đối với những bệnh nhân này cần chú ý động viên thường xuyên để bệnh nhân có ý thức quan tâm tới sức khỏe của mình.

 Thầy thuốc cần hiểu bệnh nhân để có kết quả điều trị tốt hơn.

Lại có những bệnh nhân luôn luôn nghi ngờ, thiếu tin tưởng như nghi ngờ thầy không giỏi, thuốc không tốt, nghi ngờ chẩn đoán, nghi ngờ kết quả Xquang, xét nghiệm... chạy chữa lung tung. Đối với những bệnh nhân này, thầy thuốc cần nêu những bệnh nhân điển hình chẩn đoán và điều trị có kết quả tốt để gây ấn tượng mạnh mẽ.

Ngược với bệnh nhân tích cực là bệnh nhân tiêu cực, bi quan nghĩ bệnh tật của mình không chữa được, sẽ tàn phế, sẽ chết. Dù có thầy giỏi, thuốc tốt cũng chẳng giúp ích gì, nhất là khi bị bệnh mạn tính hay nan y, người bệnh luôn có tư tưởng chờ chết. Đối với bệnh nhân này, thầy thuốc cần giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh tật của mình và chứng minh bằng những bệnh nhân mắc bệnh tương tự nhưng vẫn sống và sinh hoạt bình thường, một số bệnh gây đau đớn như ung thư... thì chữa triệu chứng, giảm đau kịp thời sẽ có tác động rất tốt đến tâm lý bệnh nhân.

Khi đời sống khá giả, đã có lớp bệnh nhân luôn quan trọng hóa bệnh tật của mình đến mức phức tạp. Có người dù chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng cũng hốt hoảng, lo sợ. Khi thầy thuốc kê đơn thuốc không đắt tiền, không khó mua có khi lại nghĩ thầy thuốc kém. Trong hợp này, thầy thuốc thiếu lương tâm rất dễ làm bệnh nhân “phục” với chuyện “tiền nong không thành vấn đề” kể cả lòng “biết ơn” nhét trong phong bì. Với thầy thuốc có y đức “như mẹ hiền” thì không “chiều” bệnh nhân một cách thái quá.

Lại có những bệnh nhân “ngang” khi đến bệnh viện, gặp bác sĩ nhưng luôn không thỏa mãn mọi cái với người xung quanh, dễ phản ứng, có những hành động tiêu cực như không chịu uống thuốc, không chịu để nhân viên y tế chăm sóc, thậm chí phản đối với nhân viên y tế, gây gổ, cãi vã hành hung. Đây thường là những bệnh nhân có bệnh lý tâm thần. Thầy thuốc phải thương yêu giúp đỡ, nhưng cũng phải cương quyết với những hành động sai trái.

Trên đây là vài kinh nghiệm, hy vọng quan hệ thầy thuốc bệnh nhân ngày càng tốt hơn làm nên văn hóa bệnh viện một cách mẫu mực.  

BS. Trương Ngọc Lư


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH