Những năm gần đây, do nhu cầu phát triển và mở rộng áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiến hành nhiều ca cấp cứu ngoại khoa, sản khoa nên nhu cầu truyền máu tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Phú Quốc ngày càng tăng. Để đảm bảo an toàn truyền máu nói riêng và đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện đảo nói chung, BVĐK Phú Quốc đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó đáng ghi nhận nhất là xây dựng “ngân hàng máu sống” giúp cứu sống hàng trăm người nguy kịch.
Thành viên CLB Hiến máu dự bị huyện Phú Quốc được xét nghiệm máu định kỳ. |
Nhiều người được cứu sống nhờ “ngân hàng máu sống”
Tại huyện đảo Phú Quốc, thời gian qua nhiều trường hợp bệnh nhân đã được cứu sống nhờ được truyền máu kịp thời thông qua những người hiến máu dự bị trong “ngân hàng máu sống”. Điển hình là trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị H. (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) bị rối loạn đông máu nặng, trong khi BV không dự trữ được huyết tương tươi và các yếu tố đông máu để truyền. Tuy nhiên, sản phụ đã được cứu sống nhờ những người hiến máu dự bị do BV thiết lập và xây dựng. Cũng trong thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, từ chỗ chỉ có 7-8 thành viên, đến nay Câu lạc bộ Hiến máu dự bị (HMDB) của huyện Phú Quốc đã có 71 thành viên. GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Xây dựng lực lượng HMDB là biện pháp quan trọng, đảm bảo có đủ và kịp thời nguồn máu trong trường hợp cấp cứu hoặc khi xảy ra tai nạn, thảm họa mà số lượng máu cần truyền vượt quá cơ số dự trữ”.
Được biết, những người tham gia hiến máu dự bị của “ngân hàng máu sống” đều là những người tự nguyện đăng ký. Sau đó, họ được BV tuyển chọn, lập hồ sơ theo dõi và quản lý sức khỏe, được xét nghiệm định kỳ các virut qua đường truyền máu (viêm gan B, viêm gan C, HIV) và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để đánh giá chất lượng máu.
Những giải pháp đảm bảo an toàn truyền máu
Trao đổi với chúng tôi, BS. Nguyễn Đức Phát - Giám đốc BVĐK Phú Quốc cho biết, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, BV đã sử dụng tới 304 đơn vị máu, thậm chí nhiều bệnh nhân cần truyền 7-10 đơn vị máu trong một ngày. Tuy nhiên, BV vẫn đảm bảo việc truyền máu được tiến hành thường xuyên, an toàn và hiệu quả. Có được điều này, ngoài việc dự trữ máu tại chỗ, máu có chất lượng được cung cấp từ việc đổi máu thường xuyên với BVĐK tỉnh Kiên Giang, BV còn kết hợp với việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị và thường xuyên chuẩn hóa quy trình cũng như kỹ năng trong phát máu và truyền máu lâm sàng cho bác sĩ và điều dưỡng... BS. Phan Ngọc Dung - Trưởng khoa Hồi sức chống độc, BV Phú Quốc chia sẻ: “Thay vì phải tìm máu toàn phần cho từng bệnh nhân vào thời điểm cuối năm, phải vất vả huy động người nhà bệnh nhân hiến máu, giờ đây việc dự trữ máu thường xuyên đã giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu của người bệnh trong hầu hết trường hợp”.
Cách làm bài bản, thực chất trong xây dựng lực lượng hiến máu dự bị cùng nhiều biện pháp chuyên môn kỹ thuật liên tục được cập nhật và chuẩn hóa trong đảm bảo an toàn truyền máu tại huyện Phú Quốc đã góp phần đem lại nguồn sống cho bệnh nhân cần truyền máu của huyện đảo này. Đây cũng là nội dung quan trọng, phù hợp với đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2013” đang được Chính phủ triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc 28 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Bài và ảnh: Thanh Hằng