Tờ Kyodo của Nhật Bản vừa đưa tin 4 thanh niên làm quen với nhau trên mạng rồi rủ nhau đến chân núi Phú Sĩ tự sát; 18 người khác đã được cứu sống từ một vụ tự sát tập thể bằng khí gas... Những tin đó chẳng lấy gì làm giật gân bởi nó xảy ra "như cơm bữa" tại đất nước này. Suy thoái kinh tế và tình trạng mất việc làm khiến số người chán sống ở Nhật ngày một gia tăng, mặc cho những cố gắng phòng chống tự sát của chính phủ.
"Mốt" rủ nhau cùng chết
Báo chí Nhật từng đưa tin 2 bé gái 14 tuổi rủ nhau "chơi trò" tự tử bằng cách trộn chất tẩy quần áo và chất khử mùi để tạo ra khí độc, làm 90 người khác sống cùng tòa nhà bị "ngộ độc lây"; hay vụ một chiếc xe hơi với 7 xác người bên trong gồm 3 phụ nữ và 4 đàn ông. Cửa kính chiếc xe bị bịt kín bằng băng dính, bên trong có 4 lò than tắt lửa. Cạnh thi thể của họ, người ta tìm thấy những mẩu giấy với các dòng chữ ghi vội: "Mẹ à, con sắp chết rồi, nhưng con rất vui vì đã được mẹ cho con thấy cuộc đời"; "Đây không phải một vụ giết người. Chúng tôi đã cùng nhau sắp xếp chuyện này. Đừng nghi ngờ ai cả"... Hai vụ tự sát tập thể kinh hoàng trên đều được khẳng định là nạn nhân của một trang web hướng dẫn cách tự sát.
Những áp lực nặng nề trong cuộc sống có thể dẫn tới trầm cảm - một nguyên nhân dẫn tới hành động tự sát. |
Xu thế tự sát, đặc biệt là tự sát tập thể thông qua mạng internet hiện rất được tầng lớp thanh niên và trung niên Nhật Bản "ưa chuộng". Những người chán sống thường lên mạng để tìm người có ý định tự sát giống mình rồi bàn nhau cách chết tập thể cho "vui vẻ". Họ cho rằng lặng lẽ tự sát một mình thì quá cô đơn, vì vậy cần phải tìm ít nhất vài người "cùng chí hướng". Họ thường thông qua phương thức mật danh để tìm người hưởng ứng trên mạng. Khi đã lập được nhóm vài ba người họ sẽ cùng nhau vạch ra phương án, địa điểm tự sát.
Ở Nhật hiện có đến hàng trăm trang web và phòng chat với tên gọi kiểu như Câu lạc bộ tự sát, Chiêu mộ nhóm bạn tự sát, Cộng đồng tự sát qua mạng... Đó là một thế giới ngầm bệnh hoạn đang trỗi dậy, nơi hàng ngàn người, đa số là trẻ tuổi, gặp nhau để lên kế hoạch cho cái chết của họ. Tại đây, người ta tha hồ thảo luận xung quanh vấn đề tự sát. Đồng thời có thể tìm thấy danh mục các phương thức có thể dùng để chết, những địa điểm tốt nhất để chết, rồi cả dịch vụ đặt mua các loại thuốc độc, các "dụng cụ hỗ trợ" cho việc tự sát qua bưu điện. Thêm vào đó, các thông báo với tựa đề kiểu như: "Tôi có sẵn thuốc ngủ và nhiều than đá - Tôi đang tìm người chết cùng" hay "Tôi 23 tuổi và tôi muốn được chết. Tôi sẵn sàng đi tới bất kỳ nơi nào có người mong tự sát chung" cũng được đăng tải nhan nhản trên các website, diễn đàn kiểu này. Các trang web còn có mục lưu trữ những câu nói tuyệt mệnh, lá thư tuyệt mệnh của người muốn chết.
Nguyên nhân tự sát của người Nhật rất nhiều: liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội... trong đó bệnh tật, kinh tế khốn quẫn và tranh chấp gia đình là 3 nguyên nhân lớn dẫn đến sự tuyệt vọng của người Nhật. Ngoài ra, người già không chịu được sự cô đơn buồn tẻ, thanh niên thất nghiệp, trẻ em bị ngược đãi... đều có động cơ để tự sát. Một lý do nữa khiến tỷ lệ tự tử ở đất nước này luôn ở mức cao là do hành động tự sát trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản không được coi là một điều tối kỵ như ở phương Tây. Trong khi đa số các quốc gia đều coi tự sát là hành vi yếu đuối, trốn tránh trách nhiệm trước tội lỗi thì ở Nhật tự sát được nhìn nhận như một cách tự bảo vệ danh dự cho những thất bại cá nhân.
Chiến dịch cứu công dân của Chính phủ Nhật Bản
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong 6 tháng đầu năm 2009, số người tự sát ở Nhật đã lên tới gần 18.000 người, nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người tự tìm đến cái chết. Năm 2008, hơn 32.000 người đã chết tại nước này vì tự sát. Đây là năm thứ 10 liên tiếp số người tự sát ở Nhật vượt trên mức 30.000, cao gấp 4,7 lần so với số người tử vong vì tai nạn giao thông. Những con số này đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. |
Chính phủ Nhật yêu cầu các công ty bảo hiểm hủy bỏ việc thực hiện bồi thường chết do tự sát, vì dư luận cho thấy, được bồi thường bảo hiểm sau khi chết cũng là một trong những động lực của người tự sát. Đồng thời dọc theo các nhà ga tàu điện ngầm và ga xe lửa, người ta bố trí rất nhiều gương soi để cho những người muốn tự sát tự xem mình trong gương mà suy nghĩ, cân nhắc, thức tỉnh trước khi đi đến hành động điên rồ.
Cuối năm 2008, Chính phủ Nhật đã quyết định đưa ra một chính sách mới cùng với số tiền 22,5 tỷ yên (tương đương 220 triệu USD) cho chương trình phòng chống tự sát. Trong một nỗ lực chung, Nhật Bản hy vọng có thể giảm bớt 20% số người tự sát trong năm 2016. Tuy nhiên, mỗi người Nhật đều biết rõ, khôi phục nền kinh tế, đảm bảo ổn định mọi mặt đời sống là con đường tốt nhất để giảm thiểu tỷ lệ tự sát của người dân.
Anh Thư (Theo Kyodo, CNN)