Kỳ 1: Phát hoảng với những “tác phẩm” làm đẹp của thẩm mỹ vườn
Kỳ 2: Xăm môi, nhấn mí tại nhà đừng “gửi trứng cho ác”
Kỳ 3: Bác sĩ Da liễu: Xăm môi thẩm mỹ “vườn” dễ rước bệnh HIV, viêm gan B
Kỳ 4: Lạm dụng filler, tế bào gốc xách tay: làm đẹp biến thành thảm họa
TS.BS Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân là Đoàn Thị M., 23 tuổi, quê ở Phú Thọ. Sau khi tiêm filler (chất VINCI (crosslinked hyaluronic acid)) nâng mũi tại một cơ sở spa ở Hà Nội, chị M. phải nhập viện vì mũi bị biến chứng, sưng nề tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.
Bệnh nhân quay lại spa thì được tiêm Hyalurolidase. Sau mũi tiêm này, mũi bệnh nhân M. giảm màu đỏ nhưng mũi sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.
Tại BV Da liễu Trung ương, qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch. Theo bác sĩ Kiêm, với trường hợp bệnh nhân này rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.
Với trường hợp bệnh nhân M., BV Da liễu Trung ương cho biết đã quyết định miễn phí toàn bộ chi phí điều trị.
Mũi bệnh nhân bị biến chứng nặng nề sau tiêm filler.
Khó hồi phục mũi
Bác sĩ Kiêm cho biết, tại BV Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở không uy tín gây biến chứng nặng nề, trong đó có biến chứng sau tiêm filler khá nhiều, nhưng thường gặp nhất là cằm và mũi.
"Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu muộn, phần mũi hoặc cằm hoại tử, bệnh nhân có thể bị dị ứng, nhiễm khuẩn, mất mũi, không thể phục hồi được. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng"- TS. Kiêm cảnh báo.
Cũng theo TS. Kiêm, nhiều người nghĩ tiêm filler chỉ đơn giản là một mũi tiêm nhưng cách tiêm ra sao, tay nghề bác sĩ thế nào thì cần lưu ý. Người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
TS. Kiêm thăm khám cho bệnh nhân.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler được quảng cáo với nhiều mức giá khác nhau. Sản phẩm này cũng được rất nhiều các bạn trẻ sử dụng để tiêm nâng mũi, tạo cằm V-line, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn... Ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả làm đẹp nhanh, tức thì, không cần phẫu thuật, không mất thời gian thực hiện (chỉ khoảng 5 phút), mũi nhìn đẹp tự nhiên, bệnh nhân không phải chăm sóc sau phẫu thuật.
Tuy vậy, theo TS. Kiêm, không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng, bởi nếu biến chứng thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi đi làm đẹp cần tìm hiểu kỹ thông tin, nên làm tại các cơ sở làm đẹp uy tín không nên tin theo quảng cáo, tránh tiền mất tật mang; nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”, Báo Điện tử Sức khỏe&Đời sống triển khai tuyến bài về vấn đề này.
Bạn đọc có thể phản ánh về các cơ sở làm đẹp trái phép về hòm thư Báo Điện tử bandientuskds@gmail.com.
Mời bạn đọc đón xem kỳ 6:
Nhiều vụ biến chứng sau tiêm filler làm đẹp: Đóa hoa đẹp bởi hương, không phải sắc vào lúc 7h sáng mai 1/9/2018.