Trên địa bàn cả nước thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giết người rất dã man, gây ra nỗi ám ảnh đến dư luận và người dân bởi tính chất man rợ, mất nhân tính của hung thủ. Những vụ giết người dã man đang xuất hiện ngày một nhiều cho thấy đây là hiện tượng đáng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ lớn về sự suy đồi giá trị đạo đức.
Giết người dã man - Con người đang quá lạnh lùng với nhau?
Cách đây ít ngày, dư luận cả nước rúng động bởi vụ án Đặng Văn Tuấn (SN 1971) giết bà Bùi Thị H. (SN 1974) rồi chặt xác phi tang. Vụ việc được người dân phát hiện vào sáng ngày 1/10. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Tuấn cho biết, đã giết, chặt xác bà H. làm nhiều khúc từ nhiều ngày trước, để trong ngôi nhà của mình ở đường Trần Đình Xu (phường Cầu Kho, Q.1), đợi thi thể phân hủy mới mang đi phi tang. Cơ quan công an cho biết, Tuấn thừa nhận động cơ gây án là do giữa Tuấn và nạn nhân có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày. Cho dù Tuấn đã nhiều lần chủ động xin lỗi H., nhưng H. vẫn không đồng ý, lại còn đe dọa thuê người xử Tuấn, nên Tuấn đã tức tối, ra tay sát hại trước. Khoảng 15 giờ chiều ngày 28/9, sau khi Tuấn và H. sử dụng ma túy đá tại nhà riêng, hai người có xảy cự cãi. Trong cơn phê thuốc, Tuấn và H. đã đánh nhau kịch liệt trong ngôi nhà này. Trong đó, Tuấn đã dùng chày tấn công, đập liên tục vào đầu H. Sau đó, hung thủ đã bịt miệng, bóp cổ cho đến khi nạn nhân tắt thở mới ngưng. Tiếp đó, Tuấn chặt xác của nạn nhân làm nhiều phần, cơ thể và tay chân bỏ vào bao tải, đầu bỏ vào một bao nilon. Rồi đến 3 giờ sáng ngày 1/10, Tuấn mang toàn bộ các phần của thi thể của nạn nhân đem đi phi tang tại cầu Lò Gốm (Q.6) và đại lộ Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, Q.1).
Hiện trường vụ giết người do đối tượng Đặng Văn Tuấn gây nên.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, tại TP.HCM cũng xảy ra một vụ án tương tự. Đối tượng Trần Nhật Duy (SN 1994, quê Tiền Giang) đã giết bạn tình đồng giới là anh Vạn Anh Tuấn (SN 1984, ngụ cùng quê). Tại cơ quan công an, Duy cũng khai, trong thời gian chung sống, do bị Tuấn ép quan hệ đồng tính một thời gian dài nên đã lên mạng mua thuốc độc (kali-cyunua - một chất cực độc) rồi tìm cơ hội đầu độc Tuấn. Sau khi Tuấn tử vong, Duy cướp điện thoại bán lấy tiền rồi mua dụng cụ là cưa máy, cưa tay, kéo và balô, băng keo để phi tang xác nạn nhân. Sau hai lần phân xác nạn nhân thành nhiều phần nhỏ, Duy mang đi nhiều nơi để phi tang.
Nhiều yếu tố tạo “xung lực” cho các hành vi phi nhân tính
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao chia sẻ: Xã hội trước đây cũng có án giết người nhưng không có nhiều vụ man rợ, tàn bạo như bây giờ. Hồi ấy, chủ yếu là các băng đảng hình sự cướp của giết người, thanh toán lẫn nhau. Còn bây giờ lại có nhiều vụ do chính người thân thiết ra tay ác độc. Thậm chí, có những vụ man rợ khiến tôi - người có thâm niên ở ghế xét xử cái ác cũng phải bất ngờ, ghê rợn. Cái ác ngày càng dữ dội hơn, khủng khiếp hơn. Nhiều người không còn sợ pháp luật nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến từng tội phạm cụ thể như kinh tế, ma túy, nhận thức kém, rượu bia, tình ái... Nhưng tôi cho rằng, gốc rễ của vấn đề xã hội này chính là giáo dục. Tuy nhiên, nên hiểu giáo dục ở đây không chỉ là một mối ở nhà trường mà còn tổng hòa từ cả gia đình, xã hội. Cha mẹ mà hư hỏng thì làm sao con cái thành người được.
Trước hàng loạt vụ việc xảy ra trong thời gian qua, ThS. Lê Hoàng Việt Lâm - Giảng viên Trường đại học An ninh Nhân dân cho biết, xảy ra những vụ việc giết người man rợ đó là hệ quả của sự suy đồi những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, là sự mê hoặc của ma túy đá, là sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất. Ngoài ra, đó còn là hệ quả của lối sống buông thả của các cá nhân, là sự giải quyết không đến nơi đến chốn của chính quyền các cấp; là những mâu thuẫn nội tại về lợi ích vật chất... Tổng hợp những yếu tố đó lại tạo nên một “xung lực” mạnh mẽ để các đối tượng thực hiện hành vi phi nhân tính của mình. Để hạn chế hiện tượng nguy hại này là việc không hề dễ dàng mà cần một lộ trình rất lâu dài, không có giới hạn về mặt thời gian. Trước hết, cần thực hiện tốt biện pháp tiếp cận phòng ngừa xã hội, cụ thể là cần phát hiện, xóa bỏ, vô hiệu hóa các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hiện tượng tội phạm và các hành vi sai lệch. Bởi lẽ nhận thức hành vi, hoạt động của con người vốn mang bản chất tuân theo quy luật hướng thiện; mọi con người đều có thể trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Hành vi phạm tội của họ bên cạnh động cơ, ý chí cá nhân còn xuất phát từ những nguyên nhân, điều kiện xã hội nhất định mà nếu vô hiệu hóa được những nguyên nhân, điều kiện xã hội đó, con người sẽ không bị sa ngã vào môi trường tội ác. Ngoài ra, cần tạo được sự đồng thuận xã hội trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Mỗi cá nhân cần xác định đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của chính mình.
Làm thế nào để ngăn chặn những hành vi mất nhân tính? Bản án nào có thể giúp cảnh tỉnh những kẻ gây tội ác? Còn quá nhiều khó khăn, chỉ hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thời gian tới, những vụ trọng án sẽ ngày một giảm dần, để xã hội và nhân dân được sống trong cảnh yên bình.
Tuấn Phong