Gần đây, không ít các vụ ẩu đả dẫn đến chết người xuất phát từ các tay bợm nhậu. Uống rượu thay nước để rồi chỉ một cái “nhìn đểu” cũng đánh nhau. Rồi hậu quả sau những bữa nhậu “nối 2 ngày” là những tai nạn kinh hoàng sau khi “rượu uống người” và như đã nói ở trên, khi đã bị “ma men dẫn lối”, hậu quả thật khó lường…
Tai họa rình rập
Trong một lần cùng nhóm bạn đến ăn nhậu tại quán ăn đêm trên phố cổ Hà Nội, tôi được “mục sở thị” không khí “ăn sương” của những nam thanh, nữ tú đất Hà thành. Từng tốp người với đầy đủ mẫu mã quần áo, kiểu dáng thời trang cùng mốt tóc xanh, tóc đỏ nhanh chóng chọn cho mình bàn ăn thích hợp. Tiếng nói cười, tiếng chửi bới phát ra oang oang chẳng khác cái chợ là mấy. Trong giá rét như cứa vào da thịt, càng về nửa đêm, từng đợt gió lùa sâu vào quần áo nhưng các bàn nhậu vẫn còn xôm tụ. Vừa nâng ly chạm cốc với người bạn, tôi bỗng giật mình chứng kiến cảnh hai nhóm thanh niên độ tuổi trên dưới 20, tay cầm dao, tay cầm cốc hò hét, đuổi đánh nhau khiến cả góc phố hoảng loạn. Người đang ăn ngồi bàn kê ngoài đường bỗng nhanh chóng chạy vào trong nhà tránh những nhát dao oan nghiệt, những chiếc cốc ném nhầm đối tượng. Chưa kịp hoảng hồn, anh bạn tôi “bồi” thêm: “Ẩu đả, đâm chém nhau tại các quán nhậu đêm diễn ra thường xuyên, chẳng qua đi ăn có bắt gặp hay không mà thôi?!”. Bằng chứng là mới đây, theo thông tin của cơ quan công an, vào lúc 23 giờ, tại quán ốc trên đường Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, trong lúc uống rượu, anh H. có mâu thuẫn với nhóm thanh niên ngồi ở bàn bên cạnh. Sau khi được mọi người can ngăn, anh H. cùng nhóm bạn ra về. Khoảng nửa tiếng sau, H. quay lại quán ốc, dùng dao chém số thanh niên đã xảy ra mâu thuẫn trước đó, nhưng không trúng ai. H. đã bị nhóm thanh niên trên dùng ghế nhựa, điếu cày, vỏ chai và dao tấn công, gây thương tích nặng và đến 3 giờ 30 phút ngày hôm sau thì tử vong do bị đa chấn thương, mất máu cấp…
Cần có chế tài nghiêm khắc với hàng quán còn mở cửa sau 24 giờ (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Khi rượu vào lời ra dẫn tới cãi chửi nhau, rồi ẩu đả gây thương tích là điều ai cũng dễ nhận thấy. Nhưng như một lực hút, những con “sâu rượu” sẵn sàng “đốt” thời gian ngồi thâu đêm “nối 2 ngày”. Hay như vụ án dùng dao đâm chết người tại quán ăn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng là một ví dụ. Do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu nên nhóm của Nguyễn Ngọc Bảo đã đánh nhau với nhóm của anh Trần Hữu Tuấn T. (SN 1978). Hậu quả, Bảo đã đâm anh T. chết ngay tại chỗ, Đặng Quang M. (SN 1979- bạn của T.) bị thương nặng và tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện và các đối tượng gây án đã bỏ trốn ngay sau đó… Đó còn chưa kể tới một số thành phần xấu trước khi “săn mồi” đều tụ tập ăn uống để lên “máu”.
Không chỉ tại một số quán ăn đêm trong khu vực nội thành mà ngay tại các quán ăn đêm ở một số huyện ngoại thành cũng lắm chuyện gây ra án mạng. Khoảng thời gian từ 21h30 – 22h những ngày đầu tháng 1 này, có mặt tại ngã tư Trôi (huyện Hoài Đức, HN) nằm trên trục đường Quốc lộ 32 mới thấy hết được không khí tấp nập ở đây. Trước đây, vùng đất này nổi tiếng về những làng nghề truyền thống đã tạo nên một diện mạo mới của khu vực đồng quê giáp ranh Hà Nội. Sau khi sáp nhập về thành phố, đất ở đây bỗng chốc có giá khiến cho rất nhiều gia đình trở nên giàu có. Cũng chính vì sự giàu có này mà các quán ăn, quán nhậu ở khu vực này mọc lên ngày càng nhiều. Như một điều tất yếu, có cung ắt có cầu, khi màn đêm buông xuống, một số thanh niên tụ tập rượu chè, chỉ với ánh mắt được cho là nhìn đểu cũng có thể xảy nên chuyện, mà có biết bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra từ những quán nhậu đêm này, từ ẩu đả, đánh, chém, giết nhau đều có cả.
“Lời giải” nào cho kinh doanh hàng quán sau 24 giờ?
Chặn đà tăng của trọng án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã; chỉ huy công an các phường, đồn, trạm, thị trấn ráo riết triển khai thực hiện.
Giải pháp kiềm chế thì có nhiều, dài hơi có, ngắn hạn có, trong đó việc kiên quyết xử lý tình trạng hàng quán bán đêm, hoạt động kinh doanh dịch vụ quá giờ quy định (sau 24 giờ) được xem là một trong những cách làm hữu hiệu, giúp ngăn ngừa những mâu thuẫn bộc phát, xóa bỏ môi trường, điều kiện phát sinh tội phạm, từ đó kéo giảm trọng án. Quan trọng là vậy nên việc kiểm soát hành chính sau 24 giờ lâu nay luôn được công an các đơn vị, địa phương thực hiện thường xuyên. Song thực tế, việc kiểm soát của lực lượng chức năng vẫn thiên về nhắc nhở mà chưa xử lý nghiêm vi phạm - bệnh “nhờn thuốc” do vậy xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng các quán internet, karaoke, quán rượu vờ đóng cửa, tắt đèn nghỉ kinh doanh sau 24 giờ, nhưng thực chất bên trong vẫn hoạt động; cửa hàng cà phê bóng đá sôi nổi thâu đêm... tồn tại lâu nay, chính quyền địa phương có biết? Chắc chắn có, nhưng những biện pháp “mạnh tay” mà chính quyền cơ sở có thể làm để “dẹp” các phạm ấy như: rút giấy phép kinh doanh, cắt điện, cắt nước… thì rất ít nơi làm được.
Bài, ảnh: Anh Minh