Hà Nội

Kinh hoàng những thực phẩm giả ở Trung Quốc

26-03-2015 09:08 | Dược
google news

SKĐS - Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng đây cũng là quốc gia “nổi tiếng” sản xuất ra nhiều loại hàng nhái, hàng giả nhất, trong đó cả thực phẩm cũng bị làm giả.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã và đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để giảm tình trạng làm giả, làm nhái hàng hóa, nhưng dường như các biện pháp đó là chưa đủ. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, người ta sẵn sàng sử dụng những nguyên liệu độc hại để sản xuất hàng hóa. Nguy hại hơn đó là những thực phẩm con người ăn hàng ngày, nó tác động trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người làm gia tăng bệnh tật, đặc biệt những căn bệnh như ung thư xuất hiện ngày càng nhiều đã trở thành gánh nặng đối với xã hội.

Gạo làm từ nhựa

Nhiều người cho rằng nếu có một loại thực phẩm không thể làm giả, nó sẽ là gạo. Nhưng thực tế là tại Trung Quốc đã xuất hiện một loại gạo được làm từ.... nhựa. Nó được làm từ khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp đúc thành hình dạng của hạt gạo. Một trong những cách người sản xuất thường làm để đánh lừa người tiêu dùng là sử dụng hương có mùi gạo, nhưng thực tế nó là hóa chất tạo mùi giống với gạo. Ngay cả khi được nấu chín, loại gạo này vẫn rất cứng, không thể tiêu hóa được và đặc biệt khi ăn loại gạo này nó cực kỳ độc hại đối với cơ thể.

Thịt cừu giả làm từ thịt chuột

Cảnh sát Trung Quốc đã bắt hàng trăm người có liên quan trong chiến dịch truy quét các cở sở làm giả thịt cừu. Họ đã “hô biến” thịt chồn, cáo hay thậm chí là thịt chuột để làm giả thịt cừu. Để làm được điều này những người sản xuất đã sử dụng các loại hóa chất như nitrate, gelantin và nhiều hóa chất khác để cho ra những sản phẩm giống cả hương vị, màu sắc của thịt cừu thật. Thậm chí trên trang mạng lớn nhất của Trung Quốc thời gian đó đã đăng tải những cách thức để người tiêu dùng có thể phân biệt được 2 loại thịt này.

Đậu phụ

Một món ăn dân dã tưởng như đã quá rẻ tiền để làm giả cũng bị đưa vào sản xuất. Họ đã sử dụng đạm đậu nành với bột mì, bột màu và nước để làm đậu phụ giả. Ngoài ra trong thành phần của đậu phụ giả còn có các hóa chất như rongalite, một chất tẩy trắng công nghiệp đã được cho là nguyên nhân gây ung thư, để làm đậu phụ mềm và trắng hơn.

Tiết vịt

Đây là món ăn bổ dưỡng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng nó cũng không nằm ngoài danh sách các thực phẩm bị làm giả ở đất nước này. Thay vì dùng tiết của vịt, người ta lấy tiết lợn, trâu sau đó pha trộn với formaldehyde làm thành loại đặc sản ở Trung Quốc. Việc sử dụng tiết vịt giả rất phổ biến ở Trung Quốc. Trung Quốc đã từng nhận nhiều chỉ trích của thế giới về sự lộng hành của hàng giả, hàng kém chất lượng và thậm chí là cho ra đời những sản phẩm độc hại, nhất là trong ngành dịch vụ ăn uống. Chính bản thân người Trung Quốc đã và đang hàng ngày đầu độc người dân của chính mình.

Mật ong giả

Trung Quốc là nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới chủ yếu dùng để xuất khẩu. Cách làm giả cũng đủ mọi thể loại như pha trộn một phần mật thật hoặc làm giả hoàn toàn. Người sản xuất thường trộn vào mật thật siro làm từ đường, gạo hoặc củ cải hay chế ra mật ong từ nước, đường phèn và phẩm màu nhân tạo. Chất lượng mật không được đảm bảo thậm chí còn gây hại cho người tiêu dùng do được sử dụng nhiều phụ gia và phẩm màu nhân tạo đánh lừa người tiêu dùng. Sản phẩm mật ong giả của Trung Quốc xuất hiện cả trên thị trường Mỹ và Pháp.

Nước đóng chai cũng có hàng "fake"

Từ năm 2002, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện ra hàng loạt các vụ sản xuất nước đóng chai được làm giả. Chi phí sản xuất ra một chai nước giả chỉ 3 NDT trong khi nó được bán với giá lên tới 10 NDT. Lợi nhuận quá lớn làm xuất hiện rất nhiều những người sẵn sàng mạo hiểm sản xuất ra nước đóng chai không đảm bảo chất lượng. Qua điều tra người ta đã phát hiện ra các loại vi khuẩn như e-coli hay nấm có hại cho sức khỏe trong những chai nước trôi nổi trên thị trường. Đó là những chai nước được làm từ nước máy hay cả từ những nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sinh hoạt.

Bún, phở, mỳ giả

Người ta đã sử dụng gạo hỏng, kém chất lượng trộn cùng các chất phụ gia có khả năng gây ung thư như sulfur dioxide đề làm ra các sản phẩm bún phở- những món ăn thông dụng của người châu Á. Một số nơi còn làm bún, phở từ tinh bột như bột ngô và không thể thiếu các hóa chất tạo mùi, tẩy trắng khác. Trong các cuộc điều tra, khi người ta cho lợn ăn các loại bún, phở giả này, những chú lợn đã mắc một số bệnh như yếu cơ.

Thịt lợn tạo nạc

Một thời gian người tiêu dùng từng “tẩy chay” sử dụng thịt lợn vì lo ngại lợn được nuôi bằng hóa chất tạo nạc. Nó có tên gọi clenbuterol- đây là một chất phụ gia được thêm vào thức ăn chăn nuôi có khả năng đốt cháy chất béo ở động vật, làm tỷ lệ nạc nhiều hơn mỡ, tuy nhiên hóa chất này có thể gây bệnh tim, đổ mồ hôi, chóng mặt ở người. Ở Trung Quốc đã cấm sử đụng phụ gia này từ năm 2002 nhưng nó vẫn được sử dụng chui, thậm chí ở các trang trại lớn. Một vụ scandal thịt lợn tạo nạc chấn động Trung Quốc, khiến công ty Shuanghui phải thu hồi 2.000 tấn thịt lợn. Đến nay thị trường chất tạo nạc còn mở rộng ra rất nhiều, đã phát hiện được khoảng 18 loại chẩt tạo nạc có nguồn gốc từ clenbuterol.

Rượu giả

Theo truyền hình trung ương Trung Quốc, một nửa số rượu bán trên thị trường Trung Quốc là giả, dễ làm giả nhất là các loại rượu vang. Phổ biến nhất là cách thu mua vỏ các chai rượu đắt tiền rồi đổ đầy những loại rượu rẻ tiền vào. Giá trị những phi vụ làm giả rượu vang lên tới hàng chục triệu USD. Riêng trong năm 2012, cảnh sát đã bắt tới 350 vụ làm rượu vang giả ở Thượng Hải.

Dương Bạch

Theo Listverse

 

 

 


Ý kiến của bạn