Thông tin từ Bệnh viện (BV) Bãi Cháy, Quảng Ninh cho biết, BV vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân bị đứt động mạch cổ trái vô cùng nguy kịch.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân Nguyễn P.N. (38 tuổi, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng có vết thương sâu vùng cổ trái và vai trái, mất máu nhiều, da tái nhợt, hôn mê, huyết áp tụt. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành khám, sơ bộ cho thấy nạn nhân bị một vết thương vùng cổ bị đứt động mạch cảnh ngoài, tĩnh mạch cảnh ngoài, điều nguy hiểm là bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân đã phục hồi tốt sau mổ
Ngay lập tức, các bác sĩ của BV đã tiến hành cấp cứu cầm máu và hồi sức tích cực cứu bệnh nhân thoát “cửa tử” trong gang tấc. Bác sĩ Nguyễn Thế Hưng – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Đây là ca bệnh rất nguy kịch, máu chảy nhanh, ồ ạt, bệnh nhân bị sốc mất máu nặng, có thể tử vong ngay lập tức. Quá trình xử trí tổn thương động mạch cảnh và cầm máu rất khó khăn. Động mạch cảnh bị đứt nên việc thắt buộc cần hết sức cân nhắc, đòi hỏi bác sĩ phải thao tác quyết đoán, chính xác.”
Sau 2 giờ cân não với “tử thần”, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Trải qua 3 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy, sức khỏe bệnh nhân Nguyễn P.N đã hồi phục, có thể đi lại, sinh hoạt, ăn uống và giao tiếp bình thường. Bệnh nhân chia sẻ: “Hiện tại tôi cảm thấy vô cùng khỏe khoắn, vết mổ cũng khô và liền nhanh, ăn uống và đi lại tốt. Được biết các bác sĩ bệnh viện Bãi Cháy đã cứu tôi thoát chết và chăm sóc tôi chu đáo trong những ngày qua, tôi vô cùng cảm ơn và mong nhiều người bệnh nặng như tôi sẽ được cứu sống.”
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Hưng – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy, với những trường hợp mất máu ồ ạt như trường hợp này, việc sơ cứu khẩn cấp cho bệnh nhân cần lưu ý một số điểm như người sơ cứu cần nhanh chóng dùng tay giữ chặt vào vết thương . Dùng những vật dụng hiện có sẵn như gạc, khăn tay hay miếng vải ép chặt vào vị trí vết thương đang chảy máu. Sử dụng băng gạc (nếu có) hoặc sử dụng vải (cắt thành hình chữ nhật dài) rồi quấn quanh cổ người bị nạn. Chú ý đặt một thanh gỗ dài, nhỏ hoặc chiếc thước kẻ bên đối xứng để tạo độ trống không gây nghẹt thở cho bệnh nhân. Người dân cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất sau khi sơ cứu.