Bệnh nhân Ngô Quốc Tỏa, 32 tuổi tại Cà Mau vào viện lúc 17h30 ngày 9/2/2020 do bệnh viện tuyến trước chuyển đến vì dị vật mắt trái. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân tự bẻ muỗng uống nước ( loại muỗng nhựa ) và tự đâm vào mắt trái. Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện địa phương sơ cứu sau đó chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ. Được biết, bệnh nhân có tiền sử tâm thần phân liệt – rối loạn lo âu và sợ hãi có điều trị thuốc liên tục.
Thăm khám ghi nhận bệnh nhân lơ mơ, kích thích, sưng nề và chảy dịch mắt trái, dị vật cạnh nhãn cầu mắt trái. Đồng tử trái khó quan sát do sưng nề, mắt phải đồng tử 4mm, phản xạ ánh sáng yếu, không rõ yếu chi.
Kết quả chụp CT scan sọ não cho thấy: Dị vật từ mắt trái xuyên qua mắt phải vào vùng sàn sọ và xuyên vào nhu mô não, gây dập não và máu tụ dưới màng cứng cấp tính.
Nhận định ca bệnh phức tạp, ê kíp cấp cứu nhanh chóng hội chẩn phẫu thuật viên thần kinh, mắt, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức và thống nhất phẫu thuật cấp cứu với sự phối hợp 2 chuyên khoa Ngoại Thần kinh và Mắt.
Hình ảnh cán thìa uống nước sau khi lấy ra khỏi mắt bệnh nhân
Ê kíp phẫu thuật do BS.CKI Nguyễn Đông Quân (phẫu thuật viên chính khoa ngoại thần kinh); BS.CKII Cao Thành Quý (Khoa Mắt); BS.CKII Nguyễn Thanh Liêm (Khoa Gây mê) đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Dị vật là phần cán của muỗng nhựa, đã gãy thành 3 đoạn, gồm đoạn ở mắt trái, đoạn ở mắt phải xuyên vào sàn sọ và 1 đoạn trong nhu mô não. Phẫu thuật viên đã lấy hết dị vật, lấy hết máu tụ và cầm máu mô não dập, vá kín màng cứng bị rách do dị vật đâm vào, bịt kín sàn sọ, rửa sạch vùng mổ, tổn thương nhãn cầu chưa thấy.
Sau mổ bệnh nhân tiếp tục sử dụng kháng sinh, chống động kinh và theo dõi tình trạng dò dịch não tủy. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không ghi nhận dò dịch não tủy, không yếu liệt chi.
Theo BS.CKI Nguyển Đông Quân: Dị vật hốc mắt xuyên sọ là tổn thương hiếm gặp, chiếm 0,4% trong bệnh lý chấn thương sọ não nhưng chiếm 25% các trường hợp tổn thương xuyên sọ ở người lớn. Dị vật thường xuyên sọ qua trần ổ mắt do xương mỏng làm thương tổn thùy trán.
Thứ hai là dị vật xuyên vào khe ổ mắt trên, có thể thương tổn thành ngoài xoang hang, thùy thái dương, xương bướm và thân não, thứ ba là vị trí hiếm hơn có thể xuyên qua ống thị giác vào vùng trên yên, có thể tổn thương thần kinh thị và động mạch cảnh. Hậu quả của những thương tổn này thường gây ra tử vong và thương tật cao.
Điều trị thương tổn dị vật hốc mắt xuyên sọ cũng như bất kỳ một chấn thương nào khác, điều trị ban đầu cần tuân theo nguyên tắc cấp cứu hô hấp tuần hoàn. Tình trạng hô hấp, tuần hoàn cũng như những thương tổn đe dọa tính mạng bệnh nhân phải được đánh giá và xử trí kịp thời.
Sau khi đã ổn định tình trạng bệnh nhân, các triệu chứng thần kinh và dị vật được đánh giá một cách đầy đủ. Nguyên tắc trong xử trí dị vật hốc mắt xuyên sọ là không được rút dị vật ra khi chưa chẩn đoán rõ và dị vật phải được rút tại phòng mổ.
Quyết định phẫu thuật dị vật hốc mắt xuyên sọ nên có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa như Ngoại Thần Kinh, Mắt hoặc Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng. Các phẫu thuật viên thần kinh xử trí các thương tổn não, các cấu trúc mạch máu, làm sạch dị vật, giải áp sự chèn ép thần kinh cũng như ngăn ngừa và xử trí các thương tổn mạch máu.
Trong khi đó các phẫu thuận viên Mắt xử lý tổn thương hốc mắt và phối hợp lấy dị vật từ mắt. Các chuyên gia Tai Mũi Họng và Hàm mặt có thể xử lý những thương tổn đi kèm như gãy Lefort, các cấu trúc của mũi xoang.