Kỳ II: Cáp giả... cháy thật!
Hiện nay, tình trạng buôn bán dây, cáp điện giả, kém chất lượng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điều nguy hại hơn, đó là không ít người dân với tâm lý ham rẻ đã chấp nhận dùng hàng giả, hàng nhái khi trang bị, sử dụng dây, cáp điện. Điều này không chỉ tiếp tay cho các cơ sở bất chính làm và tiêu thụ hàng giả mà còn là nguyên nhân gây ra những nguy hại khôn lường cho chính gia đình mình và cộng đồng.
Dây, cáp điện giả: hỏi là có
Hiện nay ở nhiều khu chợ buôn bán đồ điện gia dụng lớn ở Hà Nội như chợ Giời, chợ Ngã Tư Sở... việc lưu thông dây điện và dây cáp giả xuất hiện tràn lan trên thị trường và được bày bán ngang nhiên. Nếu người tiêu dùng chỉ quan sát bằng mắt thường và không có kinh nghiệm rất khó phân biệt dây, cáp điện đâu thật đâu giả. Để mục sở thị, trong vai những người đi mua hàng, chúng tôi đã vào một cửa hàng bán dây cáp điện tại chợ Giời, hỏi về loại dây điện “hàng nhái” của Hàn Quốc với mục đích về lắp đặt thuê. Chủ cửa hàng cho biết: “loại này giống y đúc dây của Hàn Quốc, nếu quan sát và có sự so sánh thật kỹ thì mới thấy “loại 2” này mảnh hơn chút ít. Giá ở đây em bán 3.000 đồng/mét (rẻ hơn dây thật 1.000 đồng), nếu các anh mua nhiều em lấy giá 2.500 đồng. Báo giá xong, chủ hàng “thẳng thắn” nói thêm: Các anh làm thuê, lắp loại xịn làm gì, chơi loại này còn ăn lời chút chứ.” Tương tự ở các cửa hàng gần đó, khi được hỏi, chúng tôi đều được các chủ hàng chỉ dẫn tận tình về các mặt hàng dây điện giả với giá rẻ hơn 1/3, thậm chí một nửa so với dây điện tiêu chuẩn.
Cuộn dây điện màu trắng (dưới cùng) là loại nhái dây điện của Hàn Quốc được bày bán ở chợ Giời. |
Cần đưa ra những “cú đấm” mạnh và quyết liệt
Lợi dụng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, để có lợi nhuận cao, các cơ sở làm giả trên đã chế tạo từ kim loại đồng có nhiều tạp chất, đường kính các sợi nhỏ và thiếu sợi, vì vậy tiết diện không đúng quy định, gây tổn thất điện, khả năng chịu cường độ dòng điện kém, dây dễ dàng quá tải và phát nóng. Mặt khác, phần cách điện được làm bằng nhựa kém chất lượng hoặc tái chế nên bở, giòn, dễ nứt khi uốn và lắp đặt. Tinh vi hơn các đối tượng sản xuất dây cáp điện giả làm theo đơn đặt hàng, ở các hộ nhỏ lẻ và tiêu thụ ở vùng sâu vùng xa. Do vậy, trong quá trình sử dụng dễ chập cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra PC 15 - Công an Hà Nội cho rằng: Ngoài việc cơ sở sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, yếu tố văn bản pháp luật quy định về chất lượng tiêu chuẩn hiện nay còn rất chung chung, không rõ ràng, bộc lộ nhiều “lỗ hổng” để các đối tượng lợi dụng vi phạm. Chưa có quy định về chất lượng cụ thể về hàng hóa, trong khi luật chất lượng thì chưa ra được ngưỡng và mức độ dưới bao nhiêu phần trăm chất lượng sản phẩm so với tiêu chuẩn công bố thì coi là hàng giả...
Để khắc phục tình trạng này, các công ty sản xuất dây cáp điện cần cải tiến đổi mới công nghệ, sử dụng tem chống hàng giả gắn trên dây điện và sử dụng mã số mã vạch in trên tem nhãn sản phẩm... nhằm tạo rào cản kỹ thuật khó bắt chước. Đồng thời, yêu cầu các đại lý cam kết bán đúng sản phẩm thật và khi phát hiện sản phẩm giả phải báo ngay về cơ quan điều tra để có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Tiến Đạt, Nhà nước nên điều chỉnh mức phạt đối với các hành vi sản xuất hàng giả hàng nhái. Đồng thời, cần nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng thêm quyền hạn cho lực lượng công an, quản lý thị trường trong công tác thanh, kiểm tra và phải dành một khoản ngân sách hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, điều tra, giám định cho các lực lượng chức năng.
Lợi dụng các thương hiệu, tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, các cơ sở làm giả dây, cáp điện đã dùng nhiều thủ đoạn, coi thường luật pháp, xâm hại đến lợi ích và tính mạng người tiêu dùng để kiếm lời bất chính. Thiết nghĩ, người tiêu dùng và các cơ quan chức năng nên tăng cường phối hợp, đưa ra những biện pháp mạnh, nói “không” với dây, cáp điện giả để ngăn chặn những nguy hại khôn lường mà nó mang lại ngay từ trong trứng nước.
Anh Tuấn