Trong những hình ảnh mà người dân cung cấp và lan truyền trên mạng về trận sóng thần tấn công Palu, Indonesia người ta thấy những đợt sóng cao 2m đi sâu vào đất liền, kèm theo đó là những bước chân hoảng loạn của người theo dõi dù đã đứng trên tầng cao, rất nhiều người đã nháo nhào chạy khi sóng ập vào, kèm theo đó là nhiều tiếng la hét hoảng loạn.
Trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra hôm 28/9 tại tỉnh Sulawesi, đi kèm cơn sóng thần cao 2 m, đã gây thiệt hại nặng nề, cả về sinh mạng lẫn của cải, cho thành phố Palu của Indonesia. Cho đến sáng 29/9, những cơn dư chấn mạnh vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng tới thành phố Palu, trên đảo Sulawesi.
Sóng thần tấn công Palu sau động đất 7,5 độ richter
Người phát ngôn của Cơ quan phản ứng thảm họa Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết, khi sóng thần xuất hiện sau động đất, nhiều người dân vẫn đang ở trên bãi biển, họ không chạy kịp và trở thành nạn nhân của cơn sóng lớn. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều xác chết dọc theo bờ biển (ảnh).
Vào tối 28/9, tại bờ biển nơi xảy ra sóng thần , người ta còn tổ chức một lễ hội trên bãi biển với sự tham gia của hàng trăm người.
Nhiều xác chết được tìm thấy sau trận sóng thần
Các cơ quan chức năng Indonesia cho biết, nhiều đường phố bị hư hỏng, điện mất, thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn, điều này ảnh hưởng tới công tác cứu hộ. Nhà chức trách Indonesia cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong tiến hành hoạt động cứu trợ người dân tại Palu do các cơn dư chấn vẫn đang tiếp diễn.
Giới chức Indonesia cho biết, sân bay thành phố Palu hiện vẫn đang tạm ngừng hoạt động trong khi trạm kiểm soát không lưu của sân bay cũng bị phá hủy trong thảm họa nên có thể sẽ cản trở những nỗ lực tiếp tế, cứu nạn bằng đường hàng không. Sân bay duy nhất trên đảo sẽ bị đóng cửa ít nhất 24 giờ. Các tuyến giao thông đường bộ dẫn tới Palu từ phía Đông và phía Nam hiện cũng đang bị gián đoạn.
Nhân viên y tế cấp cứu bệnh nhân bị thương sau động đất kèm sóng thần
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đã ghi nhận một trận động đất mạnh 7,5 độ richter xảy ra vào tối 28/9, tâm chấn là một thành phố Palu của Indonesia có 350.000 dân. Trận động đất này xảy ra sau khi có một rung chấn mạnH 6,1 độ richter vào 1 giờ trước, ở cùng khu vực. Cơ quan này cho biết, có khoảng hơn 12 đợt rung chấn với cường độ ít nhất 5,0 độ richter tấn công vào cùng khu vực Sulawesi .
Người đứng đầu Cục Khí tượng thủy văn của Indonesia , ông Dwikorita Karnawati cho Reuters biết, sóng thần cao từ 1,5 đến 2m đã tấn công Palu, tình hình ở khu vực trở nên hỗn loạn, nhiều tòa nhà, đường phố đổ sập, những con tàu ở ngoài khơi bị cuốn lên bờ. Tại hiện trường, các nhân chứng cho biết, sóng thần có thể đã lên tới 3m, thành phố Donggala cũng bị sóng thần tấn công. Ông Purwo Nugroho cho biết, hàng nghìn nhà cửa, bệnh viện, trung tâm thương mại, khách sạn và cả những cây cầu đã bị phá hủy.
Ngay sau động đất, Cơ quan Khí tượng thủy văn Indonesia (BMKG) đã phát cảnh báo sóng thần nhưng đã dỡ bỏ sau đó 34 phút. Hiện, cơ quan này đang hứng chịu chỉ trích nặng nề vì không thông báo sóng thần xảy ra tại Palu vào sáng 29/9 dù các quan chức địa phương đều cho rằng những con sóng lớn đã tới ngay khi cảnh báo sóng thần được đưa ra. Động đất và sóng thần làm hư hại mạng lưới dẫn điện chính của khu vực nên các hình thức liên lạc cũng ảnh hưởng và gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.
Ngày 28/9, LHQ cho biết đã làm việc với Chính phủ Indonesia và "sẵn sàng hỗ trợ" ngay khi có yêu cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ chia buồn sâu sắc với những thiệt hại về người và của mà người dân tại Trung Sulawesi đang phải hứng chịu sau loạt trận động đất và sóng thần.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, ông sẽ hành động nhanh nhất có thể, đồng thời trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động cứu hộ, cứu trợ các nạn nhân đang bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Donggala và Palu, Trung Sulawesi. Indonesia đã điều máy bay vận tải quân sự Hercules vận chuyển binh lính và nhiều bệnh viện dã chiến đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận thiên tai tại Palu để thực hiện hoạt động cứu hộ cứu nạn. Các cơ quan chức năng Indonesia cũng đã huy động hơn 100 tình nguyện viên từ các khu vực lân cận tham gia quá trình sơ tán và cứu hộ.
Indonesia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, "vành đai" trải rộng 40.000 km từ Nhật Bản , Indonesia đến California, Mỹ. Hầu hết động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực này. Thảm họa động đất và sóng thần tại khu vực Nam Á năm 2004 tàn phá một loạt bờ biển từ Inodonesia, đến Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ khiến 230.000 người thiệt mạng. Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm nay, Indonesia xảy ra liên tiếp 3 vụ động đất với tâm chấn đều nằm gần đảo Lombok khiến hơn 500 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số ngôi làng gần như bị phá hủy hoàn toàn.