Hà Nội

Kinh hoàng bé trai đắp lá chữa bỏng khiến hoại tử hai chân

15-05-2019 14:20 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Đắp lá thuốc nam điều trị bỏng cồn 14 ngày, bé trai 9 tuổi (có địa chỉ tại Sơn Dương – Tuyên Quang) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, không thể đi lại bình thường.

Bệnh nhi vào viện với vết bỏng vùng kheo chân và vùng cẳng chân chảy dịch mủ có mùi hôi thối, da bẩn, đen két vào vết bỏng. Vận động gối hai bên chân khó khăn, gối cứng, hai cẳng chân nhiễm trùng nặng.

Người nhà bệnh nhi cho biế, do sơ ý khi chơi tại nhà bé đã vô tình làm cháy can cồn dẫn đến bị bỏng nặng cả hai chân, sau khi bị bỏng gia đình để bé ở nhà điều trị bằng thuốc nam do có người quen thường xuyên chữa bỏng cho bà con trong làng bằng thuốc nam.

Nhưng sau điều trị bằng thuốc nam 14 ngày tại nhà bé kêu ngày càng đau, vết bỏng có mùi hôi thối, chảy dịch và bé không đi lại được gia đình đưa bé đến bệnh viện tuyến huyện điều trị và được khuyên đưa lên tuyến trên điều trị.

Vết bỏng kinh hoàng ở chân bệnh nhân.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được sát khuẩn chuyển phẫu thuật làm sạch vết thương. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị bỏng toàn bộ vùng cẳng chân và kheo hai chân, nhiễm trùng nặng, có hỗn hợp chất bẩn màu đen (thuốc nam) cùng giấy bết dính kèm mủ két dính chặt vào hai chân.

Bác sĩ trực tiếp tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Bệnh nhi bị bỏng ở mức độ II nếu sau khi bị bỏng đến bệnh viện xử lý vết thương ngay thì thời gian phục hồi sẽ nhanh chóng tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi. Nhưng do không được điều trị đúng cách bệnh nhân hiện tại bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Bệnh nhi bị bỏng vùng kheo và cẳng chân và thời gian đắp thuốc nam rất dài nên vùng khớp gối đã bị cứng, khó khăn khi đi lại, sau khi điều trị ổn định vết bỏng bệnh nhi cần được điều trị phục hồi chức năng đi lại, khôi phục khớp gối.

Tuyệt đối không chữa bỏng theo truyền miệng

Thời gian gần đây, các bác sĩ liên tục tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp thuốc nam điều trị. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.

Các bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo tới người dân, khi bị bỏng trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bỏng điện, bỏng hóa chất cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn về tim mạch. Nếu có bọng nước, kết vảy không bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm sâu, làm sạch chất bẩn trên vết bỏng, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.

Tuyệt đối không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.

Theo BS. Phương Minh, khi bị bỏng, nhiều người đã tự ý bôi xà phòng, xoa nước mắm, bôi kem đánh răng, đắp thuốc, thậm chí còn dội nước đá lên vết bỏng. Đây là những cách sơ cứu rất sai lầm, dễ gây nhiễm khuẩn vết thương.

Khi phát hiện nạn nhân bị bỏng, phải xử trí đúng ngay sau khi bị bỏng, nếu để quá 15 phút thì hiệu quả sẽ giảm đi một nửa. Cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng, ngâm vùng bị bỏng vào nước mát, sạch trong khỏang 15-20 phút. Nước mát, sạch là phương thuốc sơ cứu bỏng tốt nhất, giảm nóng rát ngay tức thì, giảm viêm, giảm phù nề, làm giảm độ sâu của tổn thương bỏng. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho nạn nhân bỏng vì vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng nặng nề hơn. Có thể dùng nước muối nhạt để lau nhẹ vết bỏng phồng rộp.

Bước tiếp theo là lấy gạc khô băng ép lên để tránh phồng. Nâng cao vùng bị bỏng sẽ giúp vết thương giảm phù nề hơn.

Không chọc vỡ các chỗ phồng ra, kể cả nốt phồng phát triển quá lớn hoặc tạo cảm giác rất đau đớn. Khi các nốt phồng nước vỡ, cần lau rửa và dùng một miếng vải sạch hoặc gạc để bảo vệ da cho đến khi lành hẳn, thường là 3 - 4 ngày thì da sẽ liền.

Với các tổn thương bỏng sâu, cần sơ cứu và đưa bệnh nhân đi khám để điều trị đúng phác đồ.

Quyên Lê
Ý kiến của bạn