Ngày 23/1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có buổi gặp gỡ báo chí thông tin về một số quy định liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) kinh doanh thức ăn đường phố.
Vì quyền lợi cá nhân hay sức khỏe cộng đồng?
TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) nhấn mạnh lại một lần nữa, Thông tư 30/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành không nhằm mục đích cấm mà chỉ đưa ra các điều kiện để cải thiện hơn chất lượng và sự an toàn của thức ăn đường phố.
Theo TS. Trung, quy định về dịch vụ ăn uống không hề mới vì nội dung này đã triển khai nhiều năm qua bằng các Quyết định 41/2005/QĐ-BYT Quy định điều kiện vệ sinh ATTP đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống; Quyết định 3199/2000/QĐ-BYT Ban hành tiêu chuẩn cơ sở đạt vệ sinh an toàn thức ăn đường phố. Trong nhiều năm qua, ngành y tế đã triển khai rất nhiều hoạt động như cấp phát găng tay miễn phí cho người bán hàng, đến nay cơ bản đã tạo thói quen tốt cho người kinh doanh; Khuyến cáo các cơ sở kinh doanh ăn uống bày bán thức ăn trong tủ kính, cách mặt đất 60cm, cơ bản đã tạo nhiều chuyển biến tích cực…
Thông tư 30 sẽ cải thiện hơn chất lượng và sự an toàn của thức ăn đường phố. |
Việc xây dựng các quy định trong Thông tư 30 đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ năm 2010 với rất nhiều ý kiến đóng góp từ các Sở Y tế và các cơ quan liên quan. Trước khi Thông tư 30 có hiệu lực (ngày 20/1/2013), nhiều địa phương đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ và nhân dân được biết. Song, TS Trung cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, Thông tư 30 chỉ vừa mới đi vào cuộc sống, vì vậy, không thể ngay lập tức trong ngày một ngày hai có thể hoàn thành tất cả các yêu cầu được.
“Thực trạng kinh doanh thức ăn đường phố chắc chắn có chuyển biến nếu chính quyền các cấp quan tâm và quan trọng nhất là sự thay đổi ý thức, thói quen của người kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng. Chúng ta nên vì quyền lợi riêng của người kinh doanh hay vì sức khỏe của người tiêu dùng và bộ mặt của đô thị?”- TS. Trung nhấn mạnh.
Không để mầm bệnh lây từ người bán hàng
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho hay, không thể phủ nhận kinh doanh thức ăn đường phố đã giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư, trong đó đa số là những người nghèo. Tuy nhiên, mặt trái của nó đang tiềm tàng nhiều nguy cơ lớn, nếu không quản lý tốt rất dễ dẫn đến tình trạng chủ cơ sở nhập những nguyên liệu không đảm bảo chất lượng về để chế biến thức ăn cho người dân.
Trên thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ gà nhập lậu, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỡ thối, mua rau thừa tận dụng tại các chợ đầu mối không đảm bảo ATVSTP. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mua nguyên liệu không đảm bảo, tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm không an toàn là có thật. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp người bán hàng mắc bệnh lao truyền nhiễm lại chuyên buôn bán thực phẩm cho người dân. Cá biệt đã có trường hợp, người bán hàng mọc “chín mé” trên tay lại dùng chính đôi tay trần bốc bún bán khiến khuẩn tụ cầu trùng vàng gây ngộ độc cho 36 trẻ… Do vậy, quy định khám sức khỏe cho người bán hàng là hết sức quan trọng.
Nói về tính khả thi của Thông tư 30, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Ngay cả với người nghèo, việc thực hiện các quy định trong Thông tư 30 không phải là tốn kém quá lớn, chẳng hạn việc dùng kẹp gắp thức ăn rất đơn giản, tiện lợi, găng tay nilon giá chỉ 50 đồng/đôi… Đầu tư không hề lớn nhưng nếu chú ý vệ sinh sạch sẽ thì chắc chắn khách hàng sẽ quay trở lại nhiều hơn. Do vậy, khó khăn ở đây chính là thay đổi thói quen của người dân để đảm bảo ATTP cho cộng đồng”.
Vấn đề cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, Giấy khám sức khỏe, theo quy định hiện nay là thẩm quyền của cơ sở y tế từ cấp quận huyện và tương đương trở lên thực hiện. Người kinh doanh thức ăn đường phố có thể đến các cơ quan chức năng thuộc UBND các xã, phường để đăng ký và liên hệ để các cơ quan chức năng tuyến quận huyện hỗ trợ các dịch vụ theo hợp đồng trách nhiệm. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn là nhiệm vụ của UBND các cấp, của cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý. Các hành vi vi phạm, mức xử phạt đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ.
Hà Nội: Xây dựng mô hình cải thiện dịch vụ ăn uống
Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết: Trong năm 2013, Hà Nội sẽ triển khai Đề án xây dựng mô hình cải thiện dịch vụ ăn uống. Mục tiêu của Đề án nhằm triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc TP. Hà Nội. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý cho hệ thống cơ quan chức năng trong bảo đảm ATTP đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống ở các phường, thị trấn của quận, huyện, thị xã trên địa bàn… Hiện, TP đang tiến hành khảo sát địa điểm các tuyến phố thích hợp. Dự kiến, Hoàn Kiếm sẽ là địa bàn được triển khai thí điểm mô hình cải thiện dịch vụ ăn uống này.
Một số địa bàn như TP.HCM cũng đã xây dựng được mô hình rau an toàn; tỉnh Bình Dương có mô hình cấp thẻ cho thực phẩm đảm bảo… được dư luận rất đồng tình.
|
Dương Hải