Kinh doanh thiệt hại nặng, hàng không vẫn chung tay cùng ngành y tế vượt “bão” COVID-19

15-09-2021 22:50 | Doanh nghiệp

SKĐS - Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các hãng hàng không đều đang chung sức cùng Chính phủ và Bộ Y tế thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với đất nước trong công tác phòng chống dịch.

Nối dài những dặm bay nghĩa tình

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo. Hai đợt dịch COVID-19 bùng phát đúng vào dịp cao điểm Tết và ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đã tác động tiêu cực đến hoạt động vận tải hàng không. Trong khi các đường bay quốc tế vẫn chưa thể nối lại thì thị trường hàng không trong nước tiếp tục đón nhận thêm "cơn cuồng phong mới" khi từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt các đường bay đi/đến TP.HCM đã phải tạm dừng để phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, để chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và Bộ Y tế, bên cạnh việc chấp hành cắt giảm chuyến bay, tạo nên "hàng rào" vững chắc ngăn chặn sự lây lan của virus, các hàng bay còn lập nên những "cầu nối trên không", hàng nghìn y, bác sĩ, hàng triệu tấn trang thiết bị y tế, hàng triệu liều vaccine đã được các hãng hàng không vận chuyển tới các tỉnh, thành phố.

Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet cho biết, từ đầu giai đoạn dịch thứ tư đến nay, Vietjet đã vận chuyển hơn 3.000 y, bác sĩ, hơn 6 triệu liều vaccine tăng cường cho các địa phương, đồng thời trao tặng nhiều xe cứu thương cho các bệnh viện trên cả nước…

Đồng thời, tuân thủ các quy định giãn cách, Vietjet đã lập những nhóm "tác chiến" trên các ứng dụng mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, triển khai công việc cho từng bộ phận.

Kinh doanh thiệt hại nặng, hàng không vẫn chung tay cùng ngành y tế vượt “bão” COVID-19 - Ảnh 1.

200 máy thở cao cấp, hiện đại được Vietjet chuyên chở từ Đức về Việt Nam trao tặng Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh và các địa phương phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tăng cường tối đa nguồn lực để phối hợp cùng Bộ Y tế vận chuyển nhanh nhất lực lượng, vật tư y tế đến miền Nam chống dịch.

Trong nhiều tháng tháng qua, Vietnam Airlines đã đưa hơn hàng nghìn chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ, giảng viên và sinh viên ngành y từ nhiều nơi trên cả nước đi tham gia chống dịch ở các "điểm nóng" như TPHCM, Bình Dương, Đồng Tháp... Đội ngũ y tế được vận chuyển miễn phí toàn bộ hàng hóa đi kèm để góp phần tiếp thêm trang thiết bị, vật tư cho các vùng dịch.

Hiện tại, với những yêu cầu đề nghị hỗ trợ vận chuyển các đoàn công tác đến miền Nam chống dịch ngày càng tăng, Vietnam Airlines đã tăng cường bố trí sử dụng tàu bay thân rộng và tối ưu tải cung ứng trên các chuyến bay trong ngày nhằm mục tiêu ưu tiên vận chuyển nhanh nhất lực lượng y tế.

Vừa qua, Vietnam Airlines đã bố trí cấp bách các chuyến bay chở hơn 16 tấn hàng gồm 800 máy trợ thở cùng nhiều trang thiết bị y tế đến TPHCM để tiếp sức cho thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Vietnam Airlines cũng thực hiện gần 20 chuyến bay chở hơn 2 triệu liều vaccine từ các nước đến Việt Nam và phân phối tới các điểm nội địa. Trong đó, số vaccine theo cơ chế COVAX bằng nguồn ngân sách Nhà nước được vận chuyển hoàn toàn miễn phí.

Kinh doanh thiệt hại nặng, hàng không vẫn chung tay cùng ngành y tế vượt “bão” COVID-19 - Ảnh 2.

Hơn 130 tấn hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế như máy trợ thở, máy chụp X-quang phổi, bộ kit xét nghiệm, đồ bảo hộ, khẩu trang... được Vietnam Airlines hỗ trợ chi phí vận chuyển để phục vụ công tác chống dịch.

Về phía hãng Bamboo Airways cũng có hàng chục chuyến bay vận chuyển miễn phí hoặc giảm giá thấp để hỗ trợ chống dịch. Mới đây nhất là chuyến bay chở 192 công dân Bình Định từ  TP Hồ Chí Minh về quê đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phù Cát (Bình Định). Hầu hết hành khách trên chuyến bay đặc biệt là những công dân Bình Định già yếu, neo đơn, bệnh tật, phụ nữ mang thai, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… do ảnh hưởng của dịch bệnh, đang sinh sống, học tập, làm việc ở các tỉnh phía Nam có nguyện vọng về quê. 

Từ sau đợt dịch lần thứ 4 đến nay, 7 chuyến bay của Bamboo Airways đã vận chuyển 1.300 người dân Bình Định từ các tỉnh phía Nam hồi hương an toàn. Toàn bộ chi phí di chuyển, vé máy bay, cách ly, sinh hoạt… trong thời gian cách ly tập trung được UBND tỉnh Bình Định và Bamboo Airways tài trợ.

Kinh doanh thiệt hại nặng, hàng không vẫn chung tay cùng ngành y tế vượt “bão” COVID-19 - Ảnh 3.

Nhiều chuyến bay của Bamboo Airways hỗ trợ đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mất việc làm, giảm thu nhập, không nơi cư trú, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, học sinh, sinh viên… hồi hương.

Đẩy nhanh chính sách hỗ trợ ngành hàng không sau dịch bệnh

Thực tế, trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, các hãng hàng không nội địa đều đang loay hoay trong cơn bĩ cực. Nếu không được sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các hãng hàng không sẽ càng lao đao.

Do đó, Hiệp hội hàng không Việt Nam đã thống nhất đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, kéo dài thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ quy định tại Thông tư 03 đến năm 2022 tùy theo diễn biến của dịch và đến thời điểm cả nước đạt miễn dịch cộng đồng. Bởi cơ cấu nợ theo Thông tư 03 của NHNN đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này dễ thành nợ xấu.

Kinh doanh thiệt hại nặng, hàng không vẫn chung tay cùng ngành y tế vượt “bão” COVID-19 - Ảnh 4.

Cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời mang tính chiến lược dài hơi để vực dậy ngành hàng không sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đề nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% để tăng vốn điều lệ như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm); đồng thời, đề xuất Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của Hiệp hội.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại và hãng hàng không được chủ động bàn, thỏa thuận về vốn vay, lãi vay, điều kiện tài sản bảo đảm, phương án đầu tư, sử dụng vốn… nhưng lãi suất bằng hoặc thấp hơn mặt bằng chung của thị trường, nhằm giúp các hãng hàng không dần phục hồi.

"Hỗ trợ trong dịch bệnh là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là hỗ trợ sau dịch bệnh. Các vấn đề thuế, phí chỉ là cú hích hay hỗ trợ, quan trọng là hỗ trợ dài hạn không phải chỉ là giảm thuế phí mà chính là thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để cho các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong quá trình dịch bệnh", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng kiến nghị.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn