Kinh doanh đa cấp biến tướng: Ðánh sập nhiều đường dây

07-04-2017 13:48 | Pháp luật

SKĐS - Lợi dụng lòng tham, hám lợi nhưng thiếu hiểu biết của người dân, thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành trên cả nước...

Lợi dụng lòng tham, hám lợi nhưng thiếu hiểu biết của người dân, thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành trên cả nước, nhiều đối tượng đã thành lập các hệ thống kinh doanh trên mạng internet theo mô hình đa cấp. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh đa cấp này đang có những biến tướng với diễn biến phức tạp. Nhiều chủ website đa cấp sau khi thu đủ tiền đã đánh sập website và bỏ trốn.

Tràn ngập chiêu trò đa cấp

Thiết lập website góp tiền và kêu gọi người tham gia để hưởng hoa hồng, hô hào đóng góp tài chính lãi suất lớn... là những dạng thức mới của đa cấp biến tướng đang ngày càng nở rộ. Điển hình vụ việc liên quan đến gold889.com mới đây, hàng loạt người tham gia rót tiền vào theo hình thức “cho nhận tài chính” cũng đã bị mất toàn bộ số tiền khi người cầm đầu tổ chức này bất ngờ “đánh sập hệ thống” và xóa toàn bộ dữ liệu. Cơ quan công an đã điều tra và bắt giữ Trần Văn Hạnh và Phạm Văn Trường - chủ website nêu trên. Với thủ đoạn chào mời khả năng sinh lời cao, nên chỉ một tháng đã có gần 1.000 người chơi, với số tiền huy động lên tới gần chục tỷ đồng, số tiền bị các đối tượng này chiếm đoạt là gần 3 tỷ đồng.Lực lượng công an điều tra làm rõ, bắt giữ các đối tượng trong một đường dây kinh doanh đa cấp lừa đảo trên mạng.

Lực lượng công an điều tra làm rõ, bắt giữ các đối tượng trong một đường dây kinh doanh đa cấp lừa đảo trên mạng.

Triệt phá những thủ đoạn, chiêu trò trục lợi đa cấp qua mạng, liên tục trong thời gian gần đây, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an đã phối hợp với công an một số đơn vị, địa phương đánh “sập” nhiều đường dây kinh doanh theo mô hình đa cấp biến tướng lừa đảo này. Cụ thể như: Cục C50 đã tạm giữ các đối tượng: Nguyễn Thị Minh Phương (38 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phương Thái An, có địa chỉ tại khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai); Phạm Thanh Toàn (45 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty, cùng ngụ phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) và Hồ Đình Phú (24 tuổi, Giám đốc kinh doanh ngụ xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn lập trang website hero8.org kêu gọi khách hàng ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước tham gia góp vốn vào công ty, nhưng thực tế, chúng không dùng tiền này vào mục đích kinh doanh mà chỉ sử dụng tiền của người tham gia sau vào hệ thống trả cho người tham gia trước. Các khách hàng tham gia vào hệ thống phải đầu tư 10.160.000 đồng sẽ được cấp một mã gọi là ID; trong đó, 2.160.000 đồng gọi là tiền pin (một lệ phí tham gia do hệ thống đặt ra) và 8 triệu đồng đầu tư ban đầu gọi là PH. Theo mô hình giới thiệu, cứ 5 ngày mỗi cá nhân tham gia một mã sẽ được nhận 2.200.000 đồng gọi là GH và được nhận tất cả 18 đợt. Do đó, theo tính toán trong khoảng thời gian 90 ngày, nếu đầu tư 10.160.000 đồng thì khách hàng nhận được 39.600.000đ, lợi nhuận trung bình 130%/tháng. Lợi nhuận cực “khủng” như vậy chính là ma lực làm mê muội nhiều khách hàng. Đến thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận đã có 14.637 mã ID của thành viên kích hoạt tham gia thực tế, trong số lượng 21.405 mã ID tham gia trong hệ thống và có tới trên 1.000 nạn nhân đã chuyển hơn 130 tỷ đồng vào tài của các đối tượng này.

“Bánh vẽ” lợi nhuận khủng

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục C50, Bộ Công an, các hệ thống website bán hàng đa cấp đang có xu hướng nở rộ ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Trong quá trình huy động người tham gia mạng lưới, các chủ website thường thể hiện độ hoành tráng như lựa chọn các khách sạn sang trọng để tổ chức hội thảo, mời lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan công quyền tham dự,... Lợi dụng lòng tham, các đối tượng này kéo được nhiều khách hàng tham gia đầu tư với lợi nhuận hứa hẹn lên đến hàng ngàn %. Tuy nhiên, họ không thực hiện kinh doanh hoặc kinh doanh những mặt hàng sinh lời không cao nên không thể tạo ra lợi nhuận như cam kết. Tiền hưởng lợi của người tham gia chủ yếu là lấy của khách hàng sau trả cho người nộp trước cho đến khi không còn khả năng thanh toán hoặc đã gom được số tiền lớn, các đối tượng này đánh sập website và bỏ trốn. Sau khi liên tiếp bị cơ quan chức năng điều tra khám phá về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình đa cấp, để che giấu hành vi phạm tội và tránh bị cơ quan công an phát hiện, nhiều đối tượng không đứng ra thành lập công ty mà thuê người khác lập các trang web và quản lý theo sự chỉ đạo điều hành của chúng.

Một hình thức huy động tiền khác cũng đang len lỏi tại nhiều địa phương để “giăng bẫy” đầu tư vào các dự án bất động sản, du lịch hay khoáng sản... Theo đó, các tổ chức thường dựng nên những dự án hoành tráng để huy động tài chính. Tuy nhiên, bản chất đây là những dự án bánh vẽ, vỏ bọc để che đậy hoạt động huy động tiền người sau trả người trước. Với điểm chung là sử dụng hệ thống mạng internet, mạng viễn thông, lợi dụng những khoảng trống của pháp luật để lừa đảo, thu lợi bất chính với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử lý những hành vi này hiện nay gặp không ít khó khăn do thiếu cơ chế pháp lý. Việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe các đối tượng phạm tội hoạt động thông qua hệ thống mạng cũng như tránh những rủi ro tiềm ẩn cho người sử dụng đang là một yêu cầu vô cùng cấp thiết.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn