Chuyện các nhà sản xuất, kinh doanh có những phương thức tiêu thụ hàng hóa đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, rộng nhất là chuyện bình thường. Ở ta lâu nay việc tiêu thụ sản phẩm thường thông qua các đại lý to nhỏ từ trên xuống song những năm gần đây xuất hiện hình thức mới chủ yếu tiêu thụ hàng nhập từ nước ngoài không theo cách đại lý mà theo kiểu kinh doanh đa cấp. Hình thức kinh doanh này có cách đây gần 100 năm ở các khu vực và quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Canada, Úc, châu Âu và ngày càng phát triển với những đặc điểm ưu việt. Tuy nhiên, khi xuất hiện ở nước ta lại sinh ra lắm chuyện dở khóc dở cười.
Có thể nói gọn hình thức kinh doanh đa cấp là cách kinh doanh sản phẩm không cần cửa hàng cửa hiệu, không cần quảng cáo mà theo “lý thuyết” thì khách hàng cũng là nhà buôn nếu vận động được thêm nhiều khách hàng khác. Đầu tiên, bạn bỏ ra 5-7 triệu đến 2 chục triệu mua một gói sản phẩm từ công ty và họ cấp cho bạn một mã số tài khoản. Bạn giới thiệu được người khác (ông B chẳng hạn) thì ông B cũng có mã số và bạn cũng sẽ có tiền trong tài khoản của mình. Ông B lại giới thiệu được 3 người nữa (bà C1, anh C2, chị C3) thì tài khoản của bạn lại được nhập thêm tiền! Còn gì sướng bằng rồi đây anh N, chị M mà mình không biết mặt mua hàng nhưng liên quan tới “dây” (hệ thống) của mình thì mình vẫn hưởng hoa hồng! Thậm chí còn được công ty cho đi du lịch nước ngoài nữa chứ! Thế là hy vọng tràn trề khi chỉ cần mua hàng một lần và chịu khó giới thiệu thì “ngồi nhà cũng có tiền”! Lại nghe anh X, chị Y nào đấy mỗi tháng thu được vài chục triệu, vài trăm triệu thì hy vọng càng lớn và những chuyện dở khóc dở cười bắt đầu từ đây.
Một sản phẩm phải chia lợi nhuận cả một hệ thống thì sản phẩm ấy phải gấp rất nhiều chục lần giá trị chính nó. Khi bỏ 2 chục triệu đồng mua sản phẩm để có được tài khoản mã số của công ty thì thực tế người mua đa bỏ vốn ra để tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp. Bỏ vốn thì phải thu hồi vốn và mong có tiền gấp nhiều lần vốn là tâm lý đương nhiên. Thế là vận động rủ rê, trước hết là người thân “tham gia mua hàng và sẽ có tiền hoa hồng hàng tuần, hàng tháng trong tài khoản”. Vận động, rủ rê thì phải bốc quá lên những tính năng tác dụng của sản phẩm. Không ít người sau khi mua hàng thấy hàng quá đắt, tác dụng không như nghe nói lúc đầu lại không vận động thêm được ai thì tài khoản vẫn bằng 0, coi như mất vốn qua cái giá sản phẩm đắt cứa cổ. Thế là người thân đang vui vẻ bỗng thành những kẻ lừa nhau, với oán thán, giận dữ và xa cách! Dân ta phần lớn vốn nghèo, ăn chưa đủ nhưng vẫn cứ vay mượn để mua hàng đa cấp với giá trên trời để tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp, hy vọng giàu có qua việc hoa hồng như tiền từ trên trời chui vào tài khoản! Quả tình cũng có người khấm khá lên nhưng là số ít, người vỡ mộng thì mới là con số đáng kể bởi dù bán hàng theo phương thức nào thì mục đích của kinh doanh vẫn cứ là lợi nhuận.
Hiện nước ta tính đến hết năm 2010 đa có 56 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký tổ chức kinh doanh đa cấp, trong đó có 40 doanh nghiệp đang hoạt động, 13 doanh nghiệp đa chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động.
Không biết kinh doanh đa cấp ở nước ngoài thế nào chứ kinh doanh đa cấp ở ta với những người tham gia hệ thống bán hàng phần lớn đều là người “sống trong hy vọng”. Càng khó khăn lại càng hy vọng nhiều và khi vỡ mộng thì hệ lụy thật khôn cùng.
Và chuyện lôi kéo người tham gia mua hàng với những thông tin thổi phồng tác dụng hàng hóa lại còn là vấn đề đạo đức!
ĐỨC TRÍ