Hà Nội

Kinh doanh bất hợp pháp tạng và thi thể người chết: Siêu lợi nhuận và... ghê sợ

20-08-2009 09:16 | Thời sự
google news

Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, nhu cầu về cấy ghép tạng, và các bộ phận cơ thể nhằm cứu chữa người bị bệnh hiểm nghèo đang ngày càng trở nên bức thiết và phổ biến trong xã hội.

Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, nhu cầu về cấy ghép tạng, và các bộ phận cơ thể nhằm cứu chữa người bị bệnh hiểm nghèo đang ngày càng trở nên bức thiết và phổ biến trong xã hội. Song để có được những cơ quan phục vụ cho việc cấy ghép là một điều vô cùng tốn kém và không hề đơn giản. Nó đã khiến cho những kẻ hám lợi bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm lời từ việc mua bán, kinh doanh tạng, đánh cắp tạng và thậm chí kinh doanh cả xác người chết không rõ nguồn gốc một cách bất hợp pháp để có được tạng và các bộ phận giá trị. Hành vi này đã và đang được ví như những hiểm họa khôn lường đối với con người và toàn xã hội.

Mục đích của nhiều tổ chức, cá nhân hay những tên tội phạm khi bỏ tiền ra mua những thi thể người chết, ngoài việc bán lại cho những viện nghiên cứu khoa học, còn nhằm mục đích cắt lấy những cơ quan, tạng có thể sử dụng được trong y học và bán lại cho những người bệnh đang cần chúng để kiếm lời. Những bộ phận chủ yếu mà những tên tội phạm này nhằm vào bao gồm những cơ quan nội tạng, bộ phận có thể được dùng để cấy ghép, hoặc thay thế cho những người bệnh bị khuyết tật hoặc bị mắc bệnh nghiêm trọng chẳng hạn như: gan, thận, gân, xương, da, van tim, các bộ phận chân, tay, và thậm chí cả... răng của người chết.

Tại một số quốc gia ở châu Á, thi thể người chết được “cung cấp” như một loại “hàng hóa”.

Trong nhiều vụ kinh doanh bộ phận tử thi từng được cảnh sát phát hiện và bắt giữ, chẳng hạn như vụ một bác sĩ và y tá tại một bệnh viện ở New York - Mỹ câu kết với nhau tiến hành đánh cắp các bộ phận tử thi chết không rõ tung tích để đem bán kiếm lời với số lượng lớn. Theo kết quả điều tra của cảnh sát, các bộ phận khác nhau của khoảng 244 tử thi (một số trong đó là những người bị bệnh) đã được cắt và đem bán trên "chợ đen" chuyên kinh doanh loại "mặt hàng" này. Mỹ cũng là nơi hoạt động buôn bán bất hợp pháp các tử thi và nội tạng người chết diễn ra khá nhiều và qui mô. Cảnh sát Mỹ cũng từng bắt giữ được không ít phần tử nằm trong đường dây buôn bán trái phép bộ phận tử thi tại nước này từ những vụ có liên quan. Trong đó có vụ một bác sĩ phẫu thuật có tên là Mastromarino đã mua lại nhiều tử thi từ những người làm việc trong các nhà tang lễ với giá 1.000 USD/một tử thi, sau đó phẫu thuật cắt lấy những bộ phận của tử thi và đem bán lại cho một ngân hàng chuyên thu mua các bộ phận cơ thể người. Mỗi bộ phận như thế lại tiếp tục được bán lại cho các bệnh viện để cấy ghép cho những bệnh nhân với giá cao gấp 10 lần giá mua vào (khoảng 10.000 đô-la cho một bộ phận). Quả là những phi vụ làm ăn ghê rợn và siêu lợi nhuận. Bác sĩ Mastromarino đã kiếm được ít nhất là 12 triệu đô la chỉ trong vòng 7 năm. Và người trợ lý trực tiếp của ông - y tá Cruceta cũng đã kiếm được một khoản tiền không nhỏ.

Gia tăng tội phạm đánh cắp nội tạng

Song song với các hoạt động kinh doanh tạng và thi thể người chết, thế giới cũng đang phải đối mặt với loại tội phạm đánh cắp bộ phận cơ thể đã và đang trở nên khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những quốc gia là điểm nóng của loại tội phạm đánh cắp tạng gồm có: Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan và một số quốc gia châu Phi khác. Trong một vài năm trở lại đây, tội phạm đánh cắp thận đã trở nên khá phổ biến tại những nước nghèo này.

Bên cạnh mục đích kinh doanh kiếm lời từ những cơ quan, tạng, những kẻ tội phạm còn đánh cắp các xác chết để bán lại cho không ít viện bảo tàng xác chết, những nơi đang cần bổ sung các bộ sưu tập xác chết hay những trung tâm nghiên cứu khoa học. Những thành phố có những bảo tàng xác chết như vậy gồm có New York, Las Vegas của Mỹ và hàng chục thành phố khác trên khắp thế giới . Điều này đã khiến cho thị trường cung cấp hàng "xác người chết" trở nên sôi động và vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiểm họa từ “ngành kinh doanh tử thi”

Trong hàng loạt những vụ án buôn bán thi thể người chết trái phép từng được phát hiện, nhiều người không khỏi kinh hoàng khi biết rằng nhiều công ty tại Mỹ và Trung Quốc từng thu mua hàng loạt xác người chết từ một thị trường đen ở Trung Quốc. Tại đây, năm 2008, người ta phát hiện ra rằng những thi thể người chết (có cả những thi thể của những người tù đã bị kết án tử hình ở Trung Quốc) được tập trung khá nhiều tại một khu "chợ đen" chuyên kinh doanh loại "mặt hàng" đáng sợ này. Những tử thi được bán và vận chuyển một cách bất hợp pháp sang Mỹ với giá từ 200 - 300USD và liên tục có sẵn "hàng" cũng như các đơn "đặt hàng" từ Mỹ. Trong một cuộc điều tra qui mô được tiến hành vào năm 2008, cảnh sát Mỹ đã tiếp cận với một nhân viên làm việc cho một công ty của Trung Quốc chuyên hoạt động trên lĩnh vực buôn bán xác chết. Người này cho biết: Xác chết được bao bọc kín trong những tấm nhựa plastic lớn, được giữ đông lạnh và sau đó chuyển đến nơi đặt mua bằng những xe tải chở hàng. Trong suốt 4 năm liền (từ 2003 cho tới 2008) những xác người chết từ thị trường đen của Trung Quốc đã liên tục được cung cấp cho một công ty ở New York - Mỹ có tên là Dalian. Công ty này đã thường xuyên đặt mua hàng, sau đó bán lại cho các trung tâm nghiên cứu hoặc trường học ở khắp mọi nơi nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc thực hiện các ca mổ thực nghiệm và thực hành giám định tử thi. Thậm chí, ngay cả ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác, những thi thể này cũng được cung cấp cho một số trường học chuyên ngành y như một món "hàng hoá" thông thường.

Chỉ riêng trên thị trường Mỹ, ước tính đã có khoảng 10.000 người được cấy ghép các bộ phận cơ thể từ một số trung tâm cung cấp các bộ phận cơ thể. Ngoài ra, còn không ít người nước ngoài khác tới Mỹ để tiến hành các ca phẫu thuật cấy ghép. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi những cơ quan, bộ phận này có nguồn gốc không rõ ràng và không thể phát hiện được là sẽ tiềm ẩn những loại bệnh tật nguy hại gì. Nhất là khi những bộ phận được lấy từ thi thể người chết do mắc các bệnh ung thư, bệnh khó phát hiện và thậm chí là HIV/AIDS.

Theo thống kê, thế giới hiện có 5 đại gia trong ngành kinh doanh xác chết được chính phủ các nước cho phép hoạt động gồm có: Tutogen Medical Inc, Cryolife Inc, LifeCell Corp, Regeneration technologies Inc, và Osteotech. Đây hầu hết là những tập đoàn của Mỹ và có doanh thu khổng lồ. Song, bên cạnh những tập đoàn hoạt động dưới sự cho phép của pháp luật nêu trên, những công ty nhỏ lẻ hoạt động trái phép đã và đang xuất hiện khá nhiều. Nguyên nhân chính là sức hút từ lợi nhuận lớn mà ngành kinh doanh xác chết đem lại. Nó đã và đang trở thành vấn đề gây đau đầu các nhà chức trách và là nỗi ám ảnh không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

            Thanh Danh (Tổng hợp từ ABC&AP)


Ý kiến của bạn