G. Marquez đã gọi những dịch giả dịch tiểu thuyết của ông là Con khỉ của nhà văn, ý nói những dịch giả chỉ là người bắt chước nhà văn mà thôi! Đó là cách gọi đùa vui của G. Marquez với những người đã dịch sách ông ra hàng trăm thứ tiếng, nhưng lại được các nhà dịch thuật thấy thích thú vì họ cho rằng biệt hiệu đó còn nhân từ hơn nhiều so với những gì mà họ được nghe từ miệng các nhà văn.
Người ta vẫn nhìn công việc dịch thuật như là sự ký sinh, ăn sẵn, ăn theo, dễ như xới cơm từ nồi vào bát vậy! Không ít người cho rằng để dịch một tác phẩm văn học, người ta chỉ cần giỏi ngoại ngữ là đủ, chỉ cần tra từ điển, chẳng cần sáng tạo gì. Trên thực tế, các dịch giả đã làm một công việc hết sức cao siêu và tinh tế của một cộng đồng văn hóa. Nếu như các tuyệt tác văn học của thế giới giống như các hồn ma ở cõi âm mà đa số độc giả không biết ngoại ngữ không thể nhìn thấy nó thì các dịch giả văn chương đã cấp cho các hồn ma vô hình ấy một thân xác chữ nghĩa để nó có thể nhập vào bản dịch mà cất lời nói với những người thuộc các nền văn hóa khác. Một bản dịch không sống động, không chuyển tải được hồn vía của nguyên tác chỉ là một hình nộm vô hồn. Vì thế, trong buổi họp báo về Hội nghị quốc tế nhằm giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới sắp tổ chức, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho rằng dịch sách văn học là "chuyển hồn một dân tộc, chuyển văn hóa một dân tộc".
Trong lĩnh vực triết học, văn hóa học, thần học và tôn giáo đã có những học giả như DT. Suzuky (Nhật Bản), Francois Julien (Pháp) làm công việc biên dịch văn hóa trong các công trình nghiên cứu, khảo cứu, giải mã minh triết và tôn giáo phương Đông, tiêu biểu là bộ Thiền luận công phu đồ sộ giải mã, biên dịch tư duy và văn hóa phương Đông sang tư duy, ngôn ngữ và khái niệm phương Tây. Không phải ngẫu nhiên ở phương Tây người ta chia ra hai loại người, một loại đã đọc Thiền luận và giác ngộ về văn hóa phương Đông, một loại chưa đọc. Mặc dù vậy, việc nhập thân vào một nền văn hóa để giải mã như DT. Suzuky hay biên dịch những khía cạnh thực dụng trong minh triết Trung Hoa như Francois Julien vẫn có những mặt có thể coi là dễ làm hơn việc các nhà dịch thuật văn chương phải len lỏi nhập thân vào những ngóc ngách tâm hồn chữ nghĩa của các tác phẩm khác nhau để lắng nghe đồng cảm và truyền đạt lại bằng những câu văn máu thịt. Các dịch giả văn chương không may mắn như những con khỉ ở bách thú, mở mắt ra là có thể thấy người để bắt chước. Họ giống như những con khỉ phải khó nhọc chui vào những hang ổ của các nền văn hóa, những ngóc ngách của ngôn từ, những hầm tối của phong cách để tìm cơ hội đối mặt với những hình tượng của tác phẩm gốc mà bắt chước nó. Vì thế, họ vừa cần phải giỏi ngoại ngữ, vừa cần được trang bị tri thức và cảm xúc của các nền văn hóa, vừa cần có những kỹ năng nhập thân hư cấu và tưởng tượng của một nhà văn.
Từ 5 - 10/1/2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và khu biệt thự Hồ Tây, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam như một hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham dự của nhiều nhà xuất bản, tổ chức nước ngoài. Hội đã mời 100 dịch giả ngoại quốc và 34 dịch giả trong nước cùng hàng trăm nhà văn đến giao lưu giới thiệu tác phẩm của mình. Các nhà văn tiêu biểu có tác phẩm có thể dịch sẽ ký kết với Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Hội Nhà văn về việc chọn và chuyển ngữ. Để giúp cho các dịch giả, các khách văn từ các phương trời thâm nhập cảnh quan văn hóa VN, Hội Nhà văn đã có lịch trình mời họ tham quan bảo tàng ở Hà Nội, đi Côn Sơn và Yên Tử. Việc tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về văn học như một hội nghị xúc tiến đầu tư như vậy là một việc làm khôn ngoan, tích cực và có tầm chiến lược trong bối cảnh những hoạt động giao lưu văn học của nhà văn VN trên trường quốc tế còn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ trong các nhóm văn chương.
Xin kính chào những Con khỉ của nhà văn sắp đến Việt Nam!
Phúc An