Các nhà khoa học ở Đại học Tel Aviv (TAU), Israel vừa phát triển thành công phiên bản kính áp tròng mới dùng cho nhóm người bị mù màu, đặc biệt là dạng mù xanh lá nhẹ (deuteranomaly). Đây là một loại rối loạn thị lực, trong đó nam mắc bệnh nhiều hơn nữ hay còn gọi là bệnh rối loạn sắc giác, người bệnh không có khả năng phân biệt được màu sắc đồ vật như màu đỏ, màu xanh lá cây, xanh biển hoặc khi pha trộn giữa các màu với nhau. Sự phân tích màu sắc chủ yếu do các tế bào nón nằm ở phía sau võng mạc đảm nhận, đây là những tế bào tập trung ở hố trung tâm của võng mạc. Khi các tế bào nón này mất khả năng phân biệt màu sắc sẽ gây ra rối loạn sắc giác hay mù màu.
Kính áp tròng mới có thể giúp cải thiện chức năng thị giác cho người mù màu.
Để tạo ra loại kính mới này, các nhà khoa học đã tạo ra một yếu tố quang học siêu mỏng phù hợp cho việc ghép vào các mắt kính thông thường bằng các màng chứa có các ô nano vàng hình elip. Bề mặt này có các thuộc tính quang học đặc biệt, khúc xạ đúng cách sóng ánh sáng đi qua.
Theo Shar Karepov, thành viên nghiên cứu ở TAU thì kính áp tròng mới sử dụng các siêu mặt phẳng dựa trên các hình elip kích thước nano nên có thể tùy chỉnh, nhỏ gọn và khắc phục các khiếm khuyết của mắt nên khôi phục độ tương phản màu sắc và cải thiện khả năng nhận biết màu lên đến 10 lần. Hiện nhóm đề tài tiếp tục hoàn thiện để sớm đưa vào thử nghiệm và tung ra thị trường trong tương lai gần.